Xóa bỏ rào cản với doanh nghiệp
Khu vực KTTN hiện đóng góp khoảng 40% GDP, thu hút 85% lực lượng lao động cả nước. Như nhận xét của ông Eric Sidgwick, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Việt Nam rất coi trọng khu vực KTTN với sự năng động và cam kết của Chính phủ để phát triển khu vực này, quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cho doanh nghiệp trong nước. "Việt Nam không thiếu chính sách, quy định mà cần tập trung nâng cao chất lượng chính sách, tính nhất quán và hiệu quả thực thi của các quy định này", ông Eric Sidgwick bày tỏ. Cùng chung quan điểm này, ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP An Bình cho rằng, bản chất DNTN khi sinh ra đã rất tâm huyết, không có lựa chọn nào khác ngoài hành động để kinh doanh có hiệu quả. Vấn đề quan trọng nhất với DNTN là cơ chế chính sách có khuyến khích được doanh nghiệp phát triển, hiệu quả thực thi của chính sách trong thực tế. Chia sẻ với những băn khoăn của doanh nghiệp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, Thủ tướng đã thành lập Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính, trong các nhiệm vụ của hội đồng có nhiệm vụ kết nối cộng đồng doanh nghiệp và đề xuất tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và sản xuất kinh doanh.
![]() |
|
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đại biểu tham dự Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2017. Ảnh: TTXVN |
VPSF lần thứ hai được tổ chức sau khi có Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XII), nghị quyết đầu tiên của Đảng về KTTN, trong đó xác định phát triển KTTN trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế, xóa bỏ mọi rào cản, định kiến, tạo thuận lợi để phát triển KTTN lành mạnh và đúng hướng. Theo ông Trần Anh Vương, Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Trưởng ban tổ chức VPSF, khối DNTN thấy rằng, cần phải có những cam kết, mối liên kết và những chương trình hành động cụ thể hơn nữa để thực hiện theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5. Tại VPSF lần này, đại diện DNTN đã có nhiều kiến nghị cụ thể, chỉ rõ những vướng mắc phát sinh trong thực tiễn, tập trung ở 3 lĩnh vực mũi nhọn đối với DNTN là kinh tế số, nông nghiệp và du lịch.
Ông Bùi Quang Ngọc, Tổng giám đốc Tập đoàn FPT phản ánh, doanh nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) đang phải chịu phí thương quyền và phí viễn thông công ích ở mức 2% doanh thu là quá sức với doanh nghiệp. Ngoài ra, việc tiếp cận dự án CNTT có nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước chưa bình đẳng giữa DNTN và doanh nghiệp khác. Giải thích về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Thành Hưng cho rằng: Phí viễn thông công ích đã góp phần tạo điều kiện cho người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa tiếp cận với dịch vụ viễn thông, do vậy, không thể bỏ loại phí này. Mức phí đã được điều chỉnh từ 3% xuống còn 1,5%, Bộ TT&TT đang kiến nghị để tiếp tục giảm xuống còn 0,7% doanh thu. Bên cạnh đó, một số văn bản quy phạm pháp luật đang được nghiên cứu sửa đổi, như Nghị định 102/2009/NĐ-CP về quản lý đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, theo hướng tháo gỡ vướng mắc, xóa bỏ những quy định còn bất cập.
Bên cạnh đối thoại thẳng thắn, cởi mở giữa các DNTN với cơ quan chính phủ, các địa phương, tại VPSF lần này, ban tổ chức đã công bố chỉ số niềm tin doanh nhân thông qua khảo sát tại các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, doanh nhân, ngành nghề. Kết quả cho thấy, 60% doanh nghiệp tăng trưởng doanh thu trong năm 2016 và 67% dự kiến tăng doanh thu trong năm 2017; 52% doanh nghiệp cho biết, lợi nhuận tăng trong năm 2016 và 61% dự kiến lợi nhuận tăng trong năm 2017. Ngoài ra, 63% doanh nghiệp dự kiến tiếp tục mở rộng kinh doanh. Tuy nhiên, gần 1/2 doanh nghiệp tham gia khảo sát cho rằng, còn rào cản trong quy định, luật lệ. Còn có những quy định chồng chéo, không rõ ràng, thiếu hiệu quả khiến DNTN tốn thêm chi phí, thời gian.
Mong muốn DNTN đóng góp 50-60% GDP
Trực tiếp lắng nghe, trao đổi, giải đáp nhiều vướng mắc của doanh nghiệp tại diễn đàn VPSF lần này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Kết quả khảo sát niềm tin của doanh nhân lần đầu tiên được VPSF thực hiện, cho thấy những tín hiệu khả quan khi niềm tin của nhà đầu tư đang dần được cải thiện rõ nét. Đối với kiến nghị của doanh nghiệp về xóa bỏ hạn điền, giảm bỏ thủ tục hành chính, đặc biệt về thuế, thủ tục ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Chính phủ sẽ trình Quốc hội để sửa đổi quy định về hạn điền nhưng cần phải hiểu đúng về mở rộng hạn điền để quyền lợi của người nông dân được bảo đảm như kinh nghiệm đã thực hiện thành công ở một số địa phương. Chính phủ đã có chỉ đạo dành 100 nghìn tỷ đồng để cho vay phát triển nông nghiệp công nghệ cao, tuy nhiên, giải ngân mới được 20-30 nghìn tỷ đồng. Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, thủ tục cho vay còn nhiều khó khăn, ngành ngân hàng phải tiếp thu để thực hiện tốt hơn; đồng thời, phải tiếp tục nhân rộng mô hình nông nghiệp công nghệ cao trên cơ sở nghiên cứu căn cơ vấn đề tiêu thụ, thị trường, không để tình trạng "giải cứu" nông sản, được mùa mất giá.
![]() |
|
Chế biến thủy sản tại doanh nghiệp thủy sản Minh Phú (Cà Mau). Ảnh:TTXVN |
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Chính phủ vẫn luôn nhất quán với mục tiêu đã đặt ra là xây dựng Chính phủ kiến tạo, đồng hành cùng doanh nghiệp, bảo vệ đến cùng mọi quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư, phù hợp với các nguyên tắc của WTO, các hiệp định song phương cũng như cam kết của Chính phủ. Chính phủ kiến tạo và hành động thì tư nhân cũng phải đổi mới, bỏ cách làm ăn kiểu cũ, rập khuôn, thiếu chuẩn mực. DNTN phải không ngừng thay đổi, nâng cao năng lực cạnh tranh, tránh tự mãn, dễ bằng lòng, phấn đấu đạt mục tiêu nâng tỷ trọng đóng góp của KTTN đạt 50-60% GDP.
Thủ tướng nêu rõ: Doanh nghiệp cần mạnh dạn hợp tác quốc tế hơn nữa, tránh tình trạng tự ti về kinh nghiệm, về quy mô nguồn vốn mà không dám hợp tác cởi mở, công bằng với các công ty toàn cầu. Đối với DNTN, cần liên kết, gắn kết, cùng phát huy thế mạnh, lợi thế của nhau, xác định các mũi nhọn cụ thể, tránh phong trào, dàn hàng ngang. Phải nắm rõ thị trường, hiểu thị trường, lường trước những rủi ro, khó khăn, đổi mới sáng tạo, năng động, tham gia vào quá trình hội nhập quốc tế.
Thủ tướng đề nghị các bộ, ban, ngành Trung ương liên quan cần lắng nghe và đối thoại định kỳ tại các diễn đàn với khu vực DNTN, giải quyết kịp thời những vướng mắc cấp bách, có lộ trình xử lý những vấn đề dài hạn, luôn đồng hành với doanh nghiệp, xem những khó khăn của doanh nghiệp là khó khăn của chính mình. Nhắc lại câu nói của người xưa: “Muốn đi nhanh hãy đi một mình, nếu muốn đi xa hãy cùng đi”, Thủ tướng nhấn mạnh, mục tiêu KTTN trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế đòi hỏi nỗ lực hành động rất lớn của các tác nhân liên quan. Chính phủ cam kết sẽ liên tục cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng bình đẳng, minh bạch, an toàn và thân thiện, tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp, đặc biệt là các DNTN, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển thuận lợi.
Theo qdnd.vn
Tin mới cập nhật
- Hút nguồn vốn tư nhân vào đổi mới sáng tạo ( 22/04)
- Trợ lực cho doanh nghiệp vượt thách thức, nâng cao năng lực cạnh tranh ( 18/04)
- Thủ tướng: Chúng ta đang nắm trong tay trách nhiệm và sứ mệnh vẻ vang trước mối đe dọa lớn nhất với hành tinh ( 17/04)
- Thủ tướng: Doanh nghiệp nhà nước phải xông pha hơn nữa, tiên phong chuyển đổi số và thúc đẩy tăng trưởng ( 16/04)
- Hợp tác xã cần nhanh chóng chuyển tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp ( 11/04)
- Thủ tướng chỉ đạo thúc đẩy phát triển du lịch, bảo đảm thực hiện tốc độ tăng trưởng kinh tế hai con số ( 11/04)