Đại dịch Covid-19 tạo nên cơn lốc mang tên “khủng hoảng và suy thoái”, quét sạch những dự báo tăng trưởng kinh tế mà giới phân tích từng kỳ vọng vào năm 2020. Để rồi giờ đây, đứng trước ngưỡng cửa năm mới, người ta lại tự hỏi: Liệu rằng đã hết những nỗi lo?
Đầu năm 2020, giới chuyên gia từng lạc quan đưa ra dự báo về những gam màu sáng trong bức tranh triển vọng kinh tế thế giới. Nhưng tất cả đã thay đổi khi đại dịch Covid-19 xuất hiện. Sức tàn phá ghê gớm của dịch Covid-19 giáng “đòn chí mạng” vào nền kinh tế thế giới. Đại dịch trở thành “sát thủ vô hình” đẩy nền kinh tế toàn cầu vốn đang trong giai đoạn phục hồi mong manh sa lầy vào đợt suy thoái tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai. Chưa bao giờ mọi hoạt động kinh tế-xã hội từ công nghiệp, giao thông vận tải đến các lĩnh vực dịch vụ, vui chơi giải trí... kéo theo lực lượng lao động ước tính hơn 3 tỷ người đồng loạt bị ảnh hưởng. Kinh tế thế giới bỗng chốc “bốc hơi” hàng nghìn tỷ USD, kéo theo không ít thành quả gây dựng trong nhiều năm qua bị tiêu tan.
Việt Nam được đánh giá đã thành công trong việc hạn chế tác động của đại dịch đối với nền kinh tế. Ảnh: Reuters
Mới đây, trang CNBC có bài viết đề cập về điều này, trong đó nêu rõ đại dịch Covid-19 khiến nền kinh tế toàn cầu rơi vào hố sâu suy thoái và vẫn chưa rõ khi nào sẽ phục hồi hoàn toàn. Không lâu trước đây, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng đưa ra dự đoán thận trọng cho rằng, kinh tế toàn cầu đã bắt đầu phục hồi, song quá trình này có thể sẽ kéo dài, tốc độ không đồng đều và không chắc chắn. Những ổ dịch mới bùng phát tại một số quốc gia trước đó đã kiểm soát khá tốt dịch Covid-19, cùng sự xuất hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2 tại Anh và đến nay đã được phát hiện ở một loạt nước, như: Đan Mạch, Nigeria, Singapore.... đều là những dấu hiệu cho thấy một tương lai không chắc chắn mà các quốc gia sẽ phải đối mặt trong thời gian tới. Thêm nữa, những khó khăn như GDP suy giảm mạnh, tỷ lệ thất nghiệp cao, nợ chính phủ tăng vọt... được CNBC cho là sẽ tiếp tục gây cản trở quá trình phục hồi của nền kinh tế thế giới.
Nhiều người vẫn trông chờ vaccine sẽ là "vũ khí tối thượng" chống lại virus SARS-CoV-2, nhưng việc có thực sự kiểm soát hiệu quả đại dịch Covid-19 vào năm 2021 hay không vẫn là câu hỏi chưa lời giải, khi thế giới vẫn mờ mịt với những điều không thể chắc chắn, như tỷ lệ người được tiếp cận vaccine, sự bảo vệ từ kháng thể sẽ duy trì trong bao lâu và nguy cơ xuất hiện các biến thể mới. Không phải ngẫu nhiên, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo đại dịch vẫn còn chặng đường dài phía trước.
Tuy vậy, những tiến bộ về vaccine ngừa Covid-19 vẫn mang đến những tia hy vọng cho nền kinh tế thế giới. Một ví dụ dễ thấy là giá dầu ở châu Á đã tăng trở lại khi xuất hiện những tín hiệu khả quan trong quá trình triển khai vaccine ngừa Covid-19. Những số liệu thống kê và các đánh giá mới nhất của giới chuyên gia cũng cho thấy kinh tế toàn cầu nói chung, khu vực châu Á-Thái Bình Dương nói riêng đã và đang xuất hiện những điểm sáng tích cực. Tuy rằng, quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu được dự đoán sẽ diễn ra không đồng đều. Những nền kinh tế mới nổi có khả năng sẽ bật mạnh mẽ hơn khỏi hố sâu suy thoái so với những nền kinh tế đã phát triển. Hay nói cách khác, năm 2021 được dự đoán sẽ là năm của những nền kinh tế mới nổi.
Báo The Business Times mới đây dẫn phân tích của các chuyên gia nhận định, sự khác biệt trong khả năng kiểm soát dịch Covid-19 giữa các quốc gia và khu vực sẽ kéo theo mức độ ảnh hưởng về kinh tế không giống nhau, có xu hướng nghiêm trọng hơn ở các nền kinh tế phát triển phương Tây so với các nền kinh tế mới nổi của châu Á. Như vậy, các nền kinh tế châu Á dự kiến sẽ khởi động năm 2021 trên một nền tảng vững chắc, trong khi các điều kiện tăng trưởng tồi tệ hơn sẽ làm chậm quá trình phục hồi của các quốc gia phát triển phương Tây.
Việt Nam-quốc gia vẫn được xem là điểm sáng về kiểm soát dịch Covid-19-vừa được trang Nikkei của Nhật Bản liệt kê vào danh sách các quốc gia sẽ dẫn đầu về tăng trưởng kinh tế tại khu vực trong năm tới. Kinh tế Việt Nam cũng được trang này dự báo sẽ hồi phục hoàn toàn về mốc trước đại dịch vào năm 2021.
Trước ngưỡng cửa chuyển giao năm mới, có thể thấy rõ rằng, Việt Nam cũng như phần còn lại của thế giới vẫn đang tiếp tục nỗ lực hết sức để khống chế đại dịch và chữa lành “vết thương” mà Covid-19 mang tới. Năm 2020 có thể xem là năm của những thách thức đáng sợ nhất trong nhiều thập kỷ, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta sẽ buông xuôi và mất tin tưởng vào những tiến bộ của khoa học, vào những nỗ lực kiểm soát đại dịch của tất cả các quốc gia trên thế giới. Chúng ta không thể khẳng định năm 2021 sẽ là một năm trải đầy hoa hồng, nhưng có thể khẳng định sự phục hồi kinh tế thế giới sẽ song hành với những nỗ lực, sự đoàn kết của tất cả các quốc gia trong việc kiểm soát đại dịch thế kỷ này.
Nguồn: Hùng Hà/qdnd.vn
(https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/kinh-te-the-gioi-truoc-nguong-cua-chuyen-giao-648021)
Tin mới cập nhật
- Hút nguồn vốn tư nhân vào đổi mới sáng tạo ( 22/04)
- Trợ lực cho doanh nghiệp vượt thách thức, nâng cao năng lực cạnh tranh ( 18/04)
- Thủ tướng: Chúng ta đang nắm trong tay trách nhiệm và sứ mệnh vẻ vang trước mối đe dọa lớn nhất với hành tinh ( 17/04)
- Thủ tướng: Doanh nghiệp nhà nước phải xông pha hơn nữa, tiên phong chuyển đổi số và thúc đẩy tăng trưởng ( 16/04)
- Hợp tác xã cần nhanh chóng chuyển tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp ( 11/04)
- Thủ tướng chỉ đạo thúc đẩy phát triển du lịch, bảo đảm thực hiện tốc độ tăng trưởng kinh tế hai con số ( 11/04)