Vì sao hàng hóa xuất khẩu ùn tắc tại cửa khẩu phía Bắc?
EmailPrintAa
17:05 22/12/2021

Chiều 21-12, tại Hà Nội, Tổng cục Hải quan tổ chức họp báo chuyên đề Giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động thông quan hàng hóa tại cửa khẩu biên giới phía Bắc.

Ùn tắc do chính sách của Trung Quốc và do cả phía Việt Nam

Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan Âu Anh Tuấn cho biết, tính đến sáng 21-12, tổng lượng xe tồn tại 3 khu vực cửa khẩu Hữu nghị , Tân Thanh, Chi Ma (Lạng Sơn) là 4.461 xe; 346 xe chờ xuất khẩu tại cầu Bắc Luân II, 1.188 xe tồn tại lối mở Cầu phao Km3+4 (Quảng Ninh).

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng ùn tắc, theo ông Âu Anh Tuấn, là do Trung Quốc tiếp tục các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 dẫn đến tình trạng lái xe hàng hóa qua lại khu vực biên giới hạn chế, có những cửa khẩu chỉ đáp ứng 20-25% so với lưu lượng thông quan hàng hóa so với bình thường.

Đặc biệt, có địa phương ở Trung Quốc tăng cường biện pháp chống dịch ở mức cao hơn, trong đó yêu cầu thay đổi phương thức giao nhận hàng hóa tại cặp cửa khẩu Tân Thanh-Pò Chìa và cặp cửa khẩu Hữu Nghị-Hữu Nghị Quan theo hướng lái xe chuyên trách điều khiển xe sang phía Trung Quốc giao hàng và yêu cầu lái xe phải đi về trong ngày, niêm phong cabin xe, lái xe không được xuống xe và phải tiêm đủ 2 mũi vắc xin, thực hiện xét nghiệm Covid-19 bằng phương pháp PCR định kỳ 3 ngày/lần.

Ông Âu Anh Tuấn phát biểu tại họp báo.

Để tập trung chống dịch, phía Trung Quốc chuyển một số cán bộ kiểm dịch hải quan sang hỗ trợ công tác kiểm soát người Trung Quốc nhập cảnh về nước ăn Tết nên lực lượng hải quan giải quyết thủ tục hàng hóa hiện nay rất mỏng.

Chính quyền thành phố Đông Hưng có thông báo sẽ tạm dừng làm thủ tục thông quan cho người, hàng hóa qua cửa khẩu Đông Hưng (gồm cả khu mậu dịch cặp chợ biên giới) từ 0 giờ ngày 21-12-2021, thời gian thông quan cụ thể sẽ thông báo sau.

Về phía Việt Nam, ông Âu Anh Tuấn cho rằng, nông sản từ các tỉnh phía Nam đang vào vụ thu hoạch, sản lượng hàng hóa tăng và nhu cầu tiêu dùng dịp lễ, Tết của thị trường Trung Quốc vào cuối năm tăng cao.

Ngày 1-1-2022, Lệnh số 248 ngày 12-4-2021 và 249 ngày 14-4-2021 của Tổng cục Hải Quan Trung Quốc từ ngày 1-1-2022 sẽ có hiệu lực nên các doanh nghiệp trong nước đổ dồn hàng hóa hoa quả, nông sản thực phẩm lên cửa khẩu biên giới phía Bắc chờ xuất khẩu sang Trung Quốc để tránh chính sách siết chặt của Trung Quốc từ ngày 1-1-2022.

Cùng với đó, việc Trung Quốc ra thông báo dự kiến tạm dừng nhập khẩu trước và sau Tết Nguyên đán 14 ngày đối với xe lạnh để chuẩn bị các công việc trước và sau Tết càng gây áp lực cho các doanh nghiệp Việt Nam đưa hàng hóa lên cửa khẩu để kịp xuất khẩu trước thời gian trên.

Trong khi đó, thông tin về tình trạng ùn tắc hàng hóa tại các khu vực biên giới đến doanh nghiệp xuất khẩu, thương lái không được đầy đủ, chi tiết dẫn đến hàng hóa tiếp tục được đưa lên cửa khẩu với số lượng lớn không được điều tiết theo diễn biến tình hình thực tế.

Giải pháp ứng phó và kiến nghị của Hải quan Việt Nam

Để giải quyết tình trạng ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới có thể xảy ra do phía Trung Quốc thực hiện các biện pháp tăng cường kiểm soát phục vụ phòng, chống dịch, từ tháng 6-2021, Tổng cục Hải quan đã gửi công điện chỉ đạo Cục Hải quan các tỉnh biên giới thực hiện các giải pháp cần thiết.

Khi xảy ra tình trạng ùn tắc hàng hóa xuất khẩu tại cửa khẩu biên giới phía Bắc thời gian qua, Tổng cục Hải quan đã kịp thời có giải pháp đồng bộ hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Tổng cục Hải quan chủ động chỉ đạo đơn vị trực thuộc bám sát diễn biến hiện tượng ùn tắc hàng hóa xuất khẩu sang Trung Quốc để thực hiện các giải pháp phù hợp như bố trí cán bộ công chức giải quyết thủ tục ngoài giờ hành chính, tuyên truyền, phổ biến cho doanh nghiệp xuất khẩu và phối hợp các lực lượng Biên phòng, Công an điều tiết giao thông cho xe ra vào nhằm hạn chế ùn tắc tại các cửa khẩu và tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động xuất khẩu hàng hóa, nông sản, trái cây tươi qua các cửa khẩu.

Các đồng chí chủ trì họp báo.

Với Bộ Công Thương, Tổng cục Hải quan đề nghị phối hợp với các bộ, ngành hữu quan phối hợp với các cơ quan chức năng Trung Quốc triển khai các giải pháp nhằm tăng thời gian thông quan tại các cửa khẩu; nâng cao hiệu suất làm việc của các lực lượng chức năng, đơn vị tại cửa khẩu phía Trung Quốc.

Tổng cục Hải quan đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đàm phán với cơ quan chức năng phía Trung Quốc để thống nhất thủ tục kiểm dịch đối với hàng hóa nông lâm, thủy sản, hoa quả tươi trong giai đoạn 2 nước đẩy mạnh phòng dịch Covid-19, không để tình trạng đóng cửa khẩu hoặc tạm dừng nhập khẩu nông sản, hoa quả như thời gian vừa qua.

Với Bộ Ngoại giao, Tổng cục Hải quan đề nghị đàm phán, trao đổi với cơ quan chức năng phía Trung Quốc đảm bảo việc thực hiện theo đúng Hiệp định thương mại biên giới giữa 2 nước đã ký kết để hoạt động thương mại biên giới phát triển lành mạnh, liên tục và ổn định. Trường hợp khi có thay đổi về chính sách đối với hàng hóa xuất nhập khẩu cần thông báo trước ít nhất 10 ngày trước khi áp dụng để phía Việt  Nam có thời gian chuẩn bị.

Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Quốc phòng trao đổi với cơ quan chức năng phía Trung Quốc thực hiện theo Hiệp định về quy chế quản lý biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc về việc thông báo cho phía Việt Nam khi Trung Quốc tạm thời đóng cửa khẩu (thông báo trước 5 ngày) để phía Việt Nam chủ động có kế hoạch thông báo cho người dân, doanh nghiệp và lực lượng chức năng có thời gian chuẩn bị, tránh gây ách tắc hàng hóa tại cửa khẩu và thiệt hại kinh tế cho cả hai bên.

Các tỉnh biên giới phía Bắc cần thiết lập, duy trì thường xuyên mối quan hệ chặt chẽ với chính quyền cặp cửa khẩu đổi diện, đối thoại giải quyết những vấn đề thương mại phát sinh. Về lâu dài, các tỉnh biên giới cần quy hoạch các khu vực xây dựng các kho chuyên dụng bảo quản hàng nông sản, hoa quả tại các cửa khẩu...

Nguồn: Chiến Thắng/qdnd.vn

( https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/vi-sao-hang-hoa-xuat-khau-un-tac-tai-cua-khau-phia-bac-681118 )


    Ý kiến bạn đọc