Hiệu quả từ chủ trương tích tụ, tập trung ruộng đất gắn với xây dựng nông thôn mới
EmailPrintAa
16:46 18/04/2025

Sau hơn ba năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 18/11/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, công tác tập trung, tích tụ ruộng đất gắn với xây dựng nông thôn mới tại Hà Tĩnh đạt được nhiều kết quả nổi bật, góp phần quan trọng vào tái cơ cấu nông nghiệp và nâng cao đời sống người dân nông thôn.

Triển khai phá bờ thửa nhỏ, hình thành ô thửa lớn hướng tới sản xuất

lúa hàng hoá, lúa chất lượng cao

Thay đổi từ nhận thức đến hành động

Ngay sau khi ban hành, Nghị quyết 06-NQ/TU đã được các cấp ủy, chính quyền quán triệt sâu rộng. Cấp ủy tỉnh đã ban hành 16 văn bản chỉ đạo triển khai, các huyện, thành, thị ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy đã ban hành hơn 1.400 văn bản để cụ thể hóa và triển khai thực hiện, tạo nên phong trào rộng khắp từ tỉnh đến cơ sở.

Việc triển khai nghị quyết được gắn liền với công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, từ chuyên mục truyền hình, phóng sự, bài viết trên các phương tiện truyền thông đại chúng, đến các buổi họp dân, tập huấn cán bộ cơ sở. Nhờ đó, người dân ngày càng hiểu rõ hơn vai trò, lợi ích của việc dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất để tổ chức sản xuất theo hướng hiện đại, quy mô lớn.

Từ chỗ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, Hà Tĩnh đang dần hình thành những vùng sản xuất tập trung, quy hoạch bài bản, góp phần nâng cao năng suất và thu nhập cho người nông dân.

Gặt hái kết quả rõ nét

Đến nay, 10/12 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đã tổ chức triển khai tập trung, tích tụ ruộng đất, đạt 10.120,35 ha, bằng 67,47% chỉ tiêu Nghị quyết đề ra cho giai đoạn 2021-2025. Một số địa phương tiêu biểu như Can Lộc đạt hơn 3.530ha, Thạch Hà trên 1.210 ha, Lộc Hà hơn 1.279 ha, Cẩm Xuyên 967,9ha. Nhiều hộ dân, hợp tác xã và doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư sản xuất theo quy mô lớn. Có 320,23 ha đất nông nghiệp đã được tích tụ để hình thành vùng sản xuất công nghệ cao, trong đó thành phố Hà Tĩnh dẫn đầu với 162 ha.

Việc chuyển đổi ruộng đất cũng giúp giảm thiểu sự phân mảnh: từ bình quân 3,3 thửa/hộ xuống còn 1,1 thửa/hộ, diện tích mỗi thửa tăng gấp gần ba lần, giúp giảm chi phí sản xuất, thuận tiện áp dụng cơ giới hóa và khoa học kỹ thuật vào canh tác.

Song song với đó, tỉnh đã đầu tư gần 80 tỷ đồng cho công tác đo đạc bản đồ, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và hỗ trợ sản xuất sau tích tụ. Đến nay, gần 6.000 ha đất đã được đo đạc chỉnh lý, hơn 10.000 hồ sơ cấp giấy chứng nhận được kê khai.

Việc tập trung ruộng đất tạo điều kiện thuận lợi cho việc đưa máy móc vào sản xuất

Nỗ lực vượt qua rào cản

Tuy vậy, quá trình triển khai Nghị quyết cũng gặp không ít khó khăn. Một số địa phương vẫn còn chậm trong tổ chức thực hiện, chưa đạt các chỉ tiêu đề ra. Việc giải ngân các chính sách hỗ trợ còn hạn chế, mới đạt khoảng 14% so với kế hoạch. Một bộ phận người dân vẫn giữ thói quen canh tác nhỏ lẻ, chưa mặn mà với chủ trương mới.

Bên cạnh đó, địa hình phân tán, diện tích đất sản xuất nông nghiệp bình quân trên hộ thấp, hệ thống giao thông, kênh mương thủy lợi chưa đồng bộ nên ở một số nơi khiến việc phá bỏ bờ vùng, đầu tư hạ tầng nội đồng gặp nhiều khó khăn. Việc tập huấn, hướng dẫn, đôn đốc thiếu kịp thời một số thủ tục hành chính còn rườm rà, ảnh hưởng đến tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau chuyển đổi.

Những bất cập này đã được tỉnh kịp thời nhận diện và tháo gỡ. Nhiều chính sách đã được điều chỉnh, sửa đổi phù hợp hơn với thực tế, đặc biệt Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 125/2024/NQ-HĐND ngày 18/7/2024 “sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị quyết số 51/2021/NQ-HĐND ngày 16/12/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2022 - 2025”.

Bài học kinh nghiệm và hướng đi tương lai

Qua thực tiễn triển khai, Hà Tĩnh rút ra những bài học quan trọng. Trước hết là sự chỉ đạo quyết liệt từ cấp tỉnh đến cơ sở, gắn trách nhiệm cụ thể cho từng cấp, từng ngành. Đẩy mạnh tuyên truyền để thay đổi tư duy sản xuất của người dân, giúp họ thấy rõ lợi ích thiết thực từ chủ trương tập trung ruộng đất.

Tỉnh cũng xác định cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa các bước thực hiện, đồng thời phát triển các chính sách hỗ trợ sau tích tụ như đầu tư cơ sở hạ tầng, giống cây trồng, kỹ thuật sản xuất. Việc quảng bá nông sản chủ lực, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm cũng là mấu chốt để tạo động lực lâu dài cho người nông dân gắn bó với nghề nông theo hướng hiện đại.

Tiếp tục triển khai đồng bộ và bền v ng

Trong thời gian tới, Hà Tĩnh đặt mục tiêu hoàn thành 15.000 ha đất tích tụ theo đúng kế hoạch; đẩy mạnh công tác đo đạc, chỉnh lý bản đồ, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; đồng thời tiếp tục kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, tuần hoàn.

Để hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết 06-NQ/TU và tạo nền tảng cho phát triển lâu dài, Hà Tĩnh xác định một số giải pháp trọng tâm. Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng về chủ trương tập trung, tích tụ ruộng đất, gắn với công khai phương án, chính sách tại thôn, xã để người dân theo dõi, giám sát. Các địa phương cần khẩn trương hoàn thiện phương án dồn điền đổi thửa, đẩy nhanh đo đạc, chỉnh lý bản đồ địa chính và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau chuyển đổi, đồng thời thực hiện chuyển đổi số trong quản lý đất đai. Tỉnh sẽ rà soát, bổ sung các cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp hơn với thực tiễn, đặc biệt là sau khi tích tụ đất, nhằm tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục liên quan đến đất đai sẽ tiếp tục được đẩy mạnh. Tập trung thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ bền vững. Mô hình hợp tác giữa hộ dân, hợp tác xã và doanh nghiệp được khuyến khích mở rộng. Tăng cường kiểm tra, giám sát tiến độ thực hiện nghị quyết và các chính sách hỗ trợ; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong tuyên truyền, vận động, phản biện xã hội và bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người dân.

Hà Tĩnh đang cho thấy cách làm bài bản, quyết liệt và có chiều sâu trong việc phát huy nội lực nông thôn. Chủ trương tích tụ ruộng đất không chỉ tạo động lực cho sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững mà còn đặt nền móng cho quá trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu - hiện đại, văn minh và thịnh vượng.

Trương Quang Đức (Văn phòng Tỉnh ủy)


    Ý kiến bạn đọc