Từ tháng 01/2013, nhiều chính sách mới sẽ hiệu lực. Theo đó, mỗi tổ chức, cá nhân cần được biết để thực hiện đúng các luật định.
* Tăng lương tối thiểu tại khối doanh nghiệp: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký ban hành Nghị định 103/2012/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có thuê mướn lao động, thay thế Nghị định 70/2011/NĐ-CP ngày 22/8/2011. Mức lương tối thiểu (theo vùng) mới áp dụng cho khối doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có thuê mướn lao động sẽ được áp dụng từ ngày 1-1-2013. Cụ thể, mức lương tối thiểu áp dụng đối với vùng I tăng từ 2 triệu đồng lên 2,35 triệu đồng/tháng; vùng II tăng từ 1,78 triệu đồng lên 2,1 triệu đồng/tháng; vùng III tăng từ 1,55 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng/tháng và vùng IV tăng từ 1,4 triệu đồng lên 1,65 triệu đồng/tháng. Các vùng I, II, III, IV được nêu chi tiết tới từng quận, huyện, thị xã trong bản Phụ lục đính kèm với Nghị định (theo mức độ thuận lợi, khó khăn của từng vùng).
* Quy định mới về bảo hiểm thất nghiệp: Chính phủ đã ban hành Nghị định 100/2012/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 127/2008/NĐ-CP ngày 12/12/2008 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành môt số điều của Luật bảo hiểm xã hội về bảo hiểm thất nghiệp. Theo đó, thời hạn người lao động thực hiện đăng ký thất nghiệp sẽ được kéo dài từ 7 ngày lên 3 tháng. Cụ thể, tại Nghị định 127/2008/NĐ-CP, thời hạn đăng ký bảo hiểm thất nghiệp là trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, người lao động phải đến cơ quan lao động để đăng ký. Tại quy định mới, thời hạn này được kéo dài đến 3 tháng. Cụ thể: Trong thời hạn 3 tháng, kể từ ngày mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc nếu người lao động chưa có việc làm mà có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp thì người lao động thực hiện đăng ký thất nghiệp với cơ quan lao động. Cũng theo quy định, hằng tháng, người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp phải trực tiếp đến thông báo với cơ quan lao động về việc tìm kiếm việc làm. Quy định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/1/2013.
* Thu phí bảo trì đường bộ: Thông tư số 197/2012/TT-BTC ngày 15/11/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện có hiệu lực từ ngày 1/1/2013 với các mức thu từ 130.000 - 1.040.000 đồng/tháng đối với ô tô và từ 50.000 - 150.000 đồng/năm đối với xe máy. Theo nội dung Thông tư, khi thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện sẽ bãi bỏ thu phí qua các trạm thu phí nộp ngân sách nhà nước; đối với các trạm chuyển quyền thu phí, trạm thu phí BOT sẽ giữ thu đến khi hoàn vốn đầu tư sẽ xoá bỏ. Thông tư cũng quy định việc miễn phí sử dụng đường bộ đối với những trường hợp là xe cứu thương, xe cứu hoả, xe chuyên dùng phục vụ tang lễ, xe chuyên dùng phục vụ quốc phòng, xe chuyên dùng phục vụ an ninh (xe ô tô) của các lực lượng Công an (Bộ Công an, Công an tỉnh, thành phố, Công an quận, huyện...) , xe mô tô của chủ phương tiện thuộc các hộ nghèo theo quy định của pháp luật về hộ nghèo.
* Cước hòa mạng di động trả trước là 25.000 đồng: Theo Thông tư 14/2012/TT-BTTTT đã được Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành, giá cước hòa mạng di động được quy định là 35.000 đồng/1 thuê bao trả sau và 25.000 đồng/1 thuê bao trả trước. Giá cước hòa mạng thu một lần và thanh toán ngay khi khách hàng ký hợp đồng sử dụng dịch vụ thông tin di động trả sau khi khách hàng mua SIM thuê bao sử dụng dịch vụ thông tin di động trả trước. Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu các “nhà mạng” không được tăng, giảm giá và khuyến mại đối với giá cước hòa mạng trên. Đồng thời, không được nạp sẵn tiền vào tài khoản đối với tất cả SIM thuê bao đang lưu thông trên thị trường hoặc chưa hòa mạng.
* Miễn thủy lợi phí cho hộ nghèo: Kể từ ngày 1/1/2013, mức thu thủy lợi phí sẽ được điều chỉnh theo nội dung Nghị định 67/2012/NĐ-CP. Trong đó, miễn thủy lợi phí đối với toàn bộ diện tích đất nông nghiệp phục vụ nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm, diện tích đất trồng cây hàng năm có ít nhất một vụ lúa trong năm; diện tích đất làm muối. Ngoài ra, Nghị định cũng bổ sung quy định miễn thủy lợi phí đối với toàn bộ diện tích đất nông nghiệp được Nhà nước giao hoặc công nhận cho hộ nghèo.
* Chế độ bồi dưỡng đối với giáo viên thể dục: Theo quy định về chế độ bồi dưỡng và chế độ trang phục đối với giáo viên, giảng viên thể dục thể thao đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành, chế độ bồi dưỡng được chi trả bằng tiền và được tính bằng 1% mức lương tối thiểu chung cho 1 tiết giảng thực hành. Chế độ bồi dưỡng bằng tiền không áp dụng đối với giáo viên, giảng viên thể dục thể thao trong các cơ sở giáo dục thuộc quân đội nhân dân và công an nhân dân. Đối với giáo viên, giảng viên thể dục thể thao dạy chuyên trách môn thể dục, thể thao được cấp 2 bộ quần áo thể thao dài tay/năm, 2 đôi giày thể thao/năm, 4 đôi tất thể thao/năm, 4 áo thể thao ngắn tay/năm. Đối với giáo viên, giảng viên dạy kiêm nhiệm (giáo viên dạy môn học khác dạy kiêm nhiệm môn thể dục, thể thao) được cấp 1 bộ quần áo thể thao dài tay/năm, 1 đôi giày thể thao/năm, 2 đôi tất thể thao/năm, 2 áo thể thao ngắn tay/năm. Trang phục thể thao do Việt Nam sản xuất, phù hợp với khí hậu từng vùng, miền.
* Lao động nữ được nghỉ sinh 6 tháng: Theo Bộ luật Lao động (sửa đổi), dù có hiệu lực từ ngày 1/5/2013, nhưng trong Điều 250 lại quy định: Lao động nữ nghỉ sinh con trước ngày Bộ luật này có hiệu lực, mà đến ngày 01 tháng 5 năm 2013 vẫn đang trong thời gian nghỉ sinh con theo quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội số 71/2006/QH11 thì thời gian hưởng chế độ khi sinh con được thực hiện theo quy định của Bộ luật này. Do đó, lao động nữ có thai mà dự sinh trước ngày 01/05/2013 có thể an tâm nghỉ thai sản mà vẫn được áp dụng chế độ nghỉ 6 tháng.
* Cấm hát nhép, trang phục biểu diễn không phù hợp: Quy định trên được nêu trong Nghị định 79/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu vừa được Chính phủ ban hành. Cụ thể, Nghị định nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân biểu diễn, tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp, người mẫu sử dụng trang phục hoặc hóa trang không phù hợp với mục đích, nội dung biểu diễn và thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa Việt Nam. Đồng thời, không được sử dụng bản ghi âm để thay cho giọng thật của người biểu diễn hoặc thay cho âm thanh thật của nhạc cụ biểu diễn. Bên cạnh đó, Nghị định cũng không cho phép tổ chức, cá nhân biểu diễn, tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp, người mẫu, thay đổi nội dung, thêm động tác diễn xuất khác với nội dung đã được phép biểu diễn. Cũng như, không được quảng cáo mạo danh nghệ sĩ, đoàn nghệ thuật; quảng cáo người biểu diễn không đúng nội dung đã được cấp phép...
Tin mới cập nhật
- 10 DẤU ẤN CỦA HÀ TĨNH NĂM 2012 ( 18/02)
- BÁC HỒ VỚI VĂN HOÁ TẾT ( 18/02)
- HỒ CHÍ MINH NÓI VỀ VAI TRÒ NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU ( 18/02)
- Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức quán triệt, triển khai Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XI) ( 07/02)
- Tích cực tham gia góp ý vào dự thảo sửa đổi hiến pháp 1992 ( 07/02)
- Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính gắn với thực hiện Nghị quyết TW4, khóa XI "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" ( 07/02)