Nhà giáo ưu tú Đinh Lê Báu hết mình vì sự nghiệp trồng người
EmailPrintAa
15:59 08/11/2012

Đối với thế hệ trẻ, điều may mắn và hạnh phúc nhất là được học với những người thầy giỏi, nhân hậu và tận tâm. Nếu lớp trẻ được trang bị đầy đủ  kiến thức, có thời cơ tốt để thể hiện năng lực và có sức cống hiến, thì đất nước này sẽ có những nhà lãnh đạo tài năng, có những thế hệ ưu tú…”. Đó là điều mà Nhà giáo ưu tú Đinh Lê Báu - nguyên Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Tĩnh luôn tâm niệm. Bởi vậy mà hơn 40 năm gắn bó với ngành giáo dục, trải qua nhiều vị trí công tác khác nhau, dù là một thầy giáo đứng trên bục giảng, hay là một chuyên gia, một nhà lãnh đạo đầu ngành giáo dục của tỉnh nhà, thầy vẫn không ngừng học hỏi, tìm tòi, sáng tạo để có những bài giảng hay, những phương pháp quản lý giáo dục phù hợp, phục vụ tốt nhất cho sự nghiệp trồng người. Ấn tượng trong tôi khi được tiếp xúc với thầy là một nhà giáo có tác phong điềm tĩnh, cách nói năng nhẹ nhàng, gần gũi và một trí tuệ mẫn tiệp, phong phú mà sâu sắc. Đó cũng chính là những gì mà bất cứi ai khi được làm việc, được sống, được tiếp xúc với thầy cũng đều cảm nhận được.

Bén duyên với nghề giáo…

Sinh năm 1940 tại Hà Nội, sau Cách mạng Tháng Tám 1945, gia đình thầy trở về quê ở xã Đức Thủy - Đức Thọ - Hà Tĩnh. Do thay đổi môi trường sống, gia đình gặp nhiều khó khăn, mới học hết lớp 6 thầy đã phải bỏ học giữa chừng, làm đủ nghề để kiếm tiền nuôi cả gia đình. Mặc dù vậy ước mơ được tiếp tục đến trường vẫn luôn cháy bỏng trong thầy. Sau 3 năm lăn lộn, làm đủ mọi nghề từ gánh nước thuê, phục vụ bàn tại các quán ăn…, năm 1956, thầy tiếp tục trở lại học tại Trường Tư thục Đậu Quang Lĩnh, đến cuối năm 1957 thi đậu vào Trường Phan Đình Phùng. Tại đây, thầy vừa học, vừa đi làm thêm để có tiền trang trải cho cuộc sống. Học hết lớp 9, định nghỉ học thì đúng lúc tỉnh có thông báo tuyển những học sinh giỏi tốt nghiệp cấp III và lớp 9 để dạy cấp II, thầy được phân công dạy học tại Trường cấp II Nguyễn Biểu, Yên Hồ, Đức Thọ - nghề giáo tình cờ bén duyên với thầy từ đó. Mặc dù trường chỉ cách nhà 4km nhưng thầy giáo trẻ vẫn ở lại để tự học tập và nghiên cứu nhằm nâng cao kiến thức. Đến năm 1961, thầy thi đậu tốt nghiệp lớp 10 THPT với tư cách là thí sinh tự do. Năm 1963, thầy được phân công dạy tại Trường cấp II Đức Đồng, Đức thọ và học Khoa Toán Trường Đại học Sư phạm Vinh (hệ hàm thụ). Với lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ, tình yêu nghề, thầy giáo trẻ Đinh Lê Báu đã cùng với tập thể giáo viên tại đây xây dựng thành công Tổ Lao động XHCN, góp phần xây dựng trường cấp II Đức Đồng trở thành một trong những trường học điển hình của Bắc Trung bộ, được nhà nước khen thưởng. Với những đóng góp của mình, trong bốn năm liền từ năm 1964 - 1967, thầy được phong tặng danh hiệu “Giáo viên giỏi, Bác Hồ khen”. Đặc biệt năm 1966, thầy vinh được Đảng, Nhà nước tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc” và Huân chương Lao động Hạng ba. Từ những danh hiệu cao quý được Đảng và Nhà nước trao tặng, bằng kinh nghiệm thực tiễn và niềm say mê sẵn có, thầy tiếp tục nghiên cứu, tìm tòi, sáng tạo phương pháp dạy và học, nhờ đó kết quả dạy và học hằng năm của Trường cấp II Đức Đồng đều đạt kết quả cao. Bên cạnh việc trau dồi nghiệp vụ chuyên môn, thầy luôn làm theo những lời dạy của Bác Hồ, làm theo gương sáng của những người thầy đi trước, trau dồi phẩm chất đạo đức cách mạng, lập trường tư tưởng chính trị luôn luôn vững vàng, kiên định với mục tiêu lý tưởng của Đảng. Năm 1969, thầy vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam - Đó là một dấu mốc lớn trong cuộc đời và càng thôi thúc thầy giáo Đinh Lê Báu nỗ lực hơn nữa trong sự nghiệp gieo mầm tri thức.

Những thay đổi lớn trong sự nghiệp

Cứ nghĩ rằng cuộc đời sẽ gắn liền với những viên phấn trắng, những mái đầu xanh của những cô cậu học trò, nhưng với những thành tích đạt được, năm 1967, thầy được Ty Giáo dục Hà Tĩnh (nay là Sở Giáo dục & Đào tạo) bổ nhiệm làm Hiệu phó Trường Sư phạm cấp II (đóng tại xã Sơn An, Hương Sơn) và đến năm 1971 bổ nhiệm làm Thường trực Công đoàn ngành Giáo dục. Liên tiếp sau đó là những thay đổi lớn trong sự nghiệp: năm 1974, thầy được bổ nhiệm chức vụ Trưởng Phòng Giáo dục huyện Nghi Xuân. Sau khi tham gia học tập tại Trường Nguyễn Ái Quốc II, tháng 3/1979, thầy được Bộ Giáo dục điều sang Camphuchia làm chuyên gia giáo dục, ở đó thầy đã cùng với nhiều chuyên gia giáo dục của Việt Nam giúp bạn xây dựng bộ máy quản lý giáo dục và đào tạo đội ngũ giáo viên. Với những cống hiến của mình trên đất nước bạn, thầy giáo Đinh Lê Báu vinh dự được Nhà nước Campuchia tặng thưởng huân chương Lao động Hạng Nhì.  

Ở Campuchia bốn năm, vừa làm vừa tự học tiếng Khơ me nên năm 1984, thầy được Bộ Giáo dục điều về làm công tác nghiên cứu giáo dục và làm phiên dịch tại Bộ Giáo dục. Đến khi tách tỉnh (1991), thầy trở về và giữ các chức vụ chủ chốt trong Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Tĩnh, là Phó Giám đốc Sở từ 1991 - 1996, sau đó là Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh khoá XIV và giữ chức vụ Giám đốc Sở cho đến năm 2001 thì nghỉ hưu. Thời gian công tác tại Sở, thầy giáo Đinh Lê Báu đã cùng Ban Giám đốc Sở và các tổ chức trong ngành giáo dục Hà Tĩnh xây dựng được đội ngũ giáo viên có trình độ, nhiệt huyết, tạo sự đoàn kết, thống nhất, đưa Hà Tĩnh nhiều năm liền trở thành một trong những tỉnh dẫn đầu về giáo dục. Là người giữ vai trò chủ chốt trong hệ thống giáo dục của tỉnh nhà, dù bận trăm công ngàn việc nhưng thầy giáo Đinh Lê Báu vẫn luôn trăn trở, giành nhiều thời gian cho công tác khuyến học, khuyến tài. Năm 1998, thầy được tặng Danh hiệu Nhà giáo ưu tú, tham gia sáng lập và kiêm giữ chức vụ Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Hà Tĩnh, thu hút được nhiều người tham gia và kêu gọi được nhiều nguồn tài trợ để phục vụ cho công tác khuyến học của tỉnh nhà.

Những kỷ niệm khó quên

Với thầy giáo Đinh Lê Báu, việc gắn bó cuộc đời với sự nghiệp giáo dục là cả một niềm hạnh phúc lớn lao. Có lẽ bởi vậy mà sau hơn 40 năm gắn bó với nghề giáo, mặc dù nghỉ hưu, tuổi đã cao nhưng thầy vẫn say mê, tiếp tục tham gia hoạt động Hội Khuyến học tỉnh, tham gia thành lập Hội Cựu Giáo chức tỉnh (2004) để có thể cống hiến thêm cho sự nghiệp giáo dục - đào tạo của tỉnh nhà, hiện thầy vẫn là UVBTV Hội Cựu Giáo chức Việt Nam. Ghi nhận những đóng góp của thầy đối với ngành giáo dục - đào tạo, đã nhiều lần sau khi nghỉ hưu, tổ chức và các đồng nghiệp cũ đã đề nghị thầy làm hồ sơ xét tặng Huân chương Lao động hạng Nhì, Nhà giáo Nhân dân nhưng thầy đều từ chối. Thầy bảo: “Tôi đã có nhiều năm làm lãnh đạo, đã được hưởng chế độ đãi ngộ của Nhà nước, được sự tín nhiệm của đồng chí, đồng nghiệp, với tôi thế là đủ. Có nhiều nhà giáo cũng đã cống hiến nhiều nhưng chưa được ghi nhận, vậy hãy giành những phần thưởng cao quý đó cho những con người ấy”.

Một lần khi được hỏi nếu có một lời khuyên đối với thế hệ những người giáo viên trẻ thầy sẽ nói điều gì? Thầy liền trả lời: “Tôi chỉ mong những cô giáo, thầy giáo ngoài việc dạy học cho các em ở trường hãy quan tâm, tìm hiểu hoàn cảnh của từng học sinh để có biện pháp giúp đỡ các em một cách hiệu quả nhất, tránh tình trạng mình không hiểu học trò dẫn đến đôi khi làm cho các em bị tổn thương”. Nói đến đó thầy không giấu được vẻ xúc động khi kể về những kỷ niệm lúc mới vào nghề, chưa được học nhiều về nghiệp vụ sư phạm, giọng thầy chùng xuống khi hướng về một ký ức xa xăm. Thầy tâm sự: “Trong cuộc đời làm trong ngành giáo dục của mình, có những điều mà đến tận bây giờ trong tôi vẫn cảm thấy day dứt. Ngày đó, khi mới về dạy học ở Trường Nguyễn Biểu, trong giờ thể dục tôi thấy một học sinh nữ chỉ tập thể dục bằng một tay, lúc đó tôi đã đến trước mặt em học sinh đó và bảo rằng: tại sao một học sinh trong giờ học mà lại không nghiêm túc như vậy, tại sao em chỉ tập thể dục bằng một tay mà không tập bằng hai tay? Em có biết như thế là vi phạm nội quy nhà trường không? Lúc đó em đó tự nhiên tái mặt rồi bỗng oà lên khóc nức nở và bảo tôi rằng em bị tai nạn chỉ còn một tay. Thực sự lúc đó tôi đã sững người, tôi tự trách mình vì chưa tìm hiểu kĩ sự việc đã vội trách học trò. Và từ đó thầy đã luôn dõi theo bước đi của cô học trò nhỏ ấy, thầy tiếp tục: “Thời gian qua đi lâu rồi, giờ em đó đã trưởng thành, đã có tổ ấm gia đình, điều đó làm tôi rất vui và được an ủi rất nhiều, tôi mong em tiếp tục cố gắng vượt qua mọi hoàn cảnh để chiến thắng chính bản thân mình. Qua đây, một lần nữa tôi muốn nói lời xin lỗi em, mong em giữ gìn sức khoẻ và gặt hái thêm được nhiều thành công mới trên chặng đường phía trước”.

Thầy nói với tôi: Bên cạnh việc giáo dục của nhà trường, sự dạy dỗ của các thầy cô giáo thì mỗi gia đình cần phải biết quan tâm, chăm lo, giáo dục con cái, phải tạo điều kiện tốt nhất để con cái có thể tham gia học tập. Có lẽ vì thế mà giờ đây, ở tuổi 72, thầy có thể hoàn toàn yên tâm về những người con của mình. Cả ba người con của thầy đều đã trưởng thành, có việc làm ổn định và đang tiếp tục cống hiến hết mình trên các lĩnh vực công tác để góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp như thầy đã từng dạy.

Đất nước sẽ có những người học trò giỏi, những nhà lãnh đạo tài năng khi có những người thầy giỏi và nhân hậu, say mê, tận tận tâm với nghề, biết lắng nghe và thấu hiểu những nguyện vọng, mong muốn của học sinh. Mong rằng thế hệ những người giáo viên hôm nay và mai sau sẽ nỗ lực không ngừng, tìm tòi sáng tạo để có những cống hiến lớn cho sự nghiệp trồng người như Nhà giáo ưu tú Đinh Lê Báu đã từng cống hiến.


    Ý kiến bạn đọc