Sức sống Trường Sa
EmailPrintAa
16:02 02/07/2014

Những ngày cuối tháng 4 lịch sử, đoàn công tác của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục Quân nhu - Bộ Quốc phòng, đã có chuyến hải trình ra Quần đảo Trường Sa yêu dấu, tôi may mắn được tham gia chuyến đi đầy ý nghĩa này.

Chuyến đi nhằm mục đích nắm tình hình thực tế đời sống cũng như động viên cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện đảo Trường Sa yên tâm công tác, vượt qua mọi khó khăn thử thách, vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc. Đồng thời là dịp để những đại biểu trong đoàn công tác có những đề xuất mang tính đột phá nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường sức mạnh phòng thủ, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc Việt Nam.

Từ quân cảng Cam Ranh, con tàu quân y HQ 561 chở theo đoàn đại biểu của Bộ TT&TT, Ban Tuyên giáo Trung ương, Cục Quân nhu, Bộ Quốc phòng và những phóng viên, nhà báo dũng mãnh băng băng thẳng tiến hướng Trường Sa vào một ngày cuối tháng 4 lịch sử. Từ trên bong tàu, hướng mắt về quân cảng Cam Ranh, tận mắt được chiêm ngưỡng những con tàu hộ vệ tên lửa, tàu chiến, tàu ngầm của hải quân nhân dân Việt Nam kiêu hãnh nằm bên các cầu tàu cùng những lá cờ tổ quốc bay phần phật giữa nắng, gió biển trời như khẳng định một điều rằng, lực lượng hải quân Việt Nam đang được hiện đại hóa từng ngày và luôn sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ biển, đảo và bầu trời Việt Nam. Tàu quân y HQ 561 là con tàu bệnh viện duy nhất của Đông Nam Á hiện nay. Được hạ thủy vào tháng 4/2012 tại nhà máy đóng tàu 198/Hải Phòng và được bàn giao cho Vùng 4 - Quân chủng Hải quân vào cuối năm đó. Tàu có chiều dài 71 mét, chiều rộng 13,5 mét, có công suất 5000 mã lực, được bố trí 32 phòng ở 5 tầng với 157 hành khách. Giữa tháng 3/2014, tàu được lắp đặt hệ thống vây giảm lắc, giảm được 2 cấp sóng gió.

Đại tá Phạm Văn Quang, Trưởng phòng tuyên huấn Bộ Tư lệnh hải quân cho biết, quần đảo Trường Sa của Việt Nam án ngữ đường hàng hải quốc tế, nối liền Ấn Độ Dương và Đại Tây Dương, giữa Châu Âu, Châu Phi, Trung Cận Đông với Trung Quốc, Nhật Bản, với các nước Đông Nam Á và Đông Bắc Á. Mỗi ngày có từ 250 - 300 tàu lớn trọng tải trên 30.000 tấn đi qua. Vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa của chúng ta còn là một ngư trường với rất nhiều loài hải sản quý hiếm như hải sâm, rùa biển, cá ngừ, tôm hùm, rong biển,... Cùng với nguồn tài nguyên khoáng sản, dầu mỏ có giá trị kinh tế cao. Với vị trí ở giữa biển Đông, quần đảo Trường Sa có thế mạnh về dịch vụ hàng hải, nghề cá đối với tàu thuyền đi lại và đánh bắt hải sản trong khu vực. Đồng thời là địa điểm du lịch hấp dẫn trong và ngoài nước. Với vị trí đắc địa đó, sự liên kết giữa các đảo, cụm đảo, tuyến đảo của quần đảo Trường Sa tạo thành lá chắn quan trọng phía trước vùng biển và dải bờ biển Nam Trung Bộ và Nam Bộ, bảo vệ sườn phía Đông của đất nước, tạo thành một hệ thống cứ điểm tiền tiêu để ngăn chặn và đẩy lùi các hoạt động lấn chiếm của tàu thuyền nước ngoài.

Cũng chính vì vị thế quan trọng như vậy nên từ xa xưa, các thế hệ người Việt đã sớm đánh dấu mốc chủ quyền quốc gia dân tộc ở các hòn đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Và đối với mỗi người dân Việt Nam, tất cả những gì liên quan đến Hoàng Sa, Trường Sa đều rất đỗi gần gũi, thiêng liêng và tự hào.

Hành trình của chuyến đi gồm Đảo Đá Lớn, Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn - Cô Lin - Trường Sa Đông - Đá Tây - Trường Sa - Đá Lát – Phúc Tần (DK1/16, DK1/17). Mỗi cái tên, mỗi điểm đảo trên quần đảo của Tổ quốc đều rất đỗi thiêng liêng, tự hào. Trong hành trình hướng về Trường Sa hôm nay, mỗi người đều mang trong mình sự háo hức xen lẫn niềm tự hào và xúc động. Chính trên cung đường lịch sử này, cách đây 39 năm, cũng vào khoảng thời gian cuối tháng 4, khi chiến dịch Hồ Chí Minh đang trên bước đường toàn thắng, hải quân Việt Nam đã bí mật, bất ngờ, táo bạo cử các đội đặc công và các tàu chiến phối hợp với lực lượng bộ đội quân khu 5 vượt sóng gió, tiến ra Trường Sa, giải phóng các hòn đảo từ tay của ngụy quân.

Đoàn khách đến với Trường Sa lần này, ai cũng cảm thấy mình là người may mắn vì thêm một lần được trải nghiệm, được đến với vùng đất thiêng liêng của tổ quốc giữa trùng khơi. Và hầu hết, trong hành trang xuống tàu của mình, mỗi người đều cố gắng mang thật nhiều những tình cảm của quê hương, của đất liền để động viên những người con ở Trường Sa yên tâm công tác, vượt qua mọi khó khăn thử thách, trụ vững nơi đầu sóng ngọn gió, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.

Trên chuyến hải trình đến với Trường Sa, đoàn công tác chúng tôi được nghe kể về sự tích của những hòn đảo xinh đẹp, về quá trình khai khẩn, lập làng của cha ông trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa cũng như quá trình xác lập chủ quyền của Việt Nam ở vùng biển giàu có này. Mỗi tên đảo chìm, đảo nổi, mỗi rặng san hô, mỗi cành cây, con nước thủy triều đều gắn với lịch sử hào hùng của các thế hệ cha ông người Việt.

Ngày nay, trên các hòn đảo, các điểm đảo thuộc huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa đều có các cột mốc chủ quyền với đầy đủ các thông tin như tọa độ địa lý, tên đảo và tên của nước CHXHCN Việt Nam. Cạnh mỗi cột mốc chủ quyền là cột cờ tổ quốc, kiêu hãnh tung bay giữa nắng gió Trường Sa. Ngay dưới cột mốc chủ quyền, vào những ngày đầu tuần cũng như những ngày lễ của dân tộc, quân và dân trên huyện đảo lại đứng nghiêm mình làm lễ chào cờ, hát quốc ca một cách nghiêm trang, xúc động như một sự khẳng định về chủ quyền biển đảo thiêng liêng, bất cả xâm phạm.

Trong chuyến hải trình ra Trường Sa lần này, chúng tôi được đi thăm nhiều đảo nổi, đảo chìm, nhà giàn trên quần đảo Trường Sa và thực sự có được những trải nghiệm đặc biệt. Thấy được sự đổi thay từng ngày, từng giờ trong cuộc sống của quân và dân trên các đảo cũng như thấy nhiều cách làm hay, mô hình khéo để phát triển kinh tế xã hội, tăng gia sản xuất, thấy được tình cảm quân dân ấm áp, keo sơn. Hiện nay, trên quần đảo Trường Sa, Việt Nam đang đóng giữ ở 9 đảo nổi và 12 đảo chìm, đá ngầm và các nhà giàn. Đảo chìm thực chất là những bãi đá san hô ngầm. Khi thủy triều lên, những bãi này ngập chìm trong nước biển. Khi thủy triều xuống thấp, lộ rõ những bãi đá mồ côi nhô trên mặt nước. Trên những bãi đá san hô quanh năm ngập nước đó, những ngôi nhà kiên cố được dựng lên, trở thành những pháo đài bất khả xâm phạm, ghi dấu chủ quyền thiêng liêng của tổ quốc và trở thành điểm tựa vững chắc của ngư dân đang ngày đêm vươn khơi, bám biển. Các điểm đảo chìm này đều có một cấu trúc gần giống nhau, với những khối nhà kiên cố mọc lên giữa các bãi đá ngầm. Xung quanh ngôi nhà, ở những không gian chật hẹp như mái hiên, góc cầu thang được các chiến sĩ che chắn cẩn thận để trồng rau, tăng gia sản xuất. Đất và phân bón được gửi theo tàu tiếp tế. Việc trồng rau diễn ra hoàn toàn trong các thùng xốp, thùng đạn cũ và phải được che chắn cẩn thận, tứ bề.

Ngày trước, khi chưa có sóng điện thoại di động, lính đảo nhớ nhất là hơi ấm đất liền. Thư ra đảo phải chờ đến nửa năm trời. Cuộc sống trên đảo những ngày đó thiếu thốn trăm bề, không có điện, anh em phải sinh hoạt bằng đèn dầu, phải tắm kiểu trẻ con ngồi trong chậu để giữ nước tưới rau,… Những năm gần đây, các đảo trên quần đảo Trường Sa đã được đầu tư với những ngôi nhà khang trang, kiên cố cùng hệ thống năng lượng gió, năng lượng mặt trời. Sóng điện thoại cũng được lắp đặt. Ngoài các phương tiện giải trí như ti vi, dàn karaoke kỹ thuật số, nhiều đảo còn có nhà văn hóa, nơi lính đảo tập luyện thể thao. Những công trình như Nhà tưởng niệm Bác Hồ, phòng đọc sách Hồ Chí Minh, Nghĩa trang liệt sỹ hay khuôn viên vườn hoa đại tướng Võ Nguyên Giáp, không chỉ nói lên cuộc sống ở đây đã thay đổi từng ngày mà còn là những địa chỉ văn hóa, tâm linh, địa chỉ đỏ, nơi giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng cho những cán bộ, chiến sĩ và các thế hệ người dân trên quần đảo. Tất cả đã trở thành nơi tiếp thêm nguồn sức mạnh cho các cán bộ, chiến sĩ, nhân dân Trường Sa.

Trong chuyến công tác ra thăm quần đảo Trường Sa lần này, đoàn đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa như triển lãm, giao lưu văn hóa văn nghệ, các hoạt động tưởng niệm trên biển, trên chùa, tặng quà, trao đổi thông tin, thăm hỏi động viên chiến sỹ và nhân dân trên đảo và nhiều hoạt động ý nghĩa khác. Đặc biệt trong chuyến đi chúng tôi may mắn được tham gia chương trình “Đến với Trường Sa thân yêu” của Bộ Thông tin và Truyền thông do đồng chí Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng làm trưởng đoàn. Ngoài các hoạt động thăm hỏi, động viên quân và dân trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa thì hoạt động ý nghĩa nhất trong chương trình là Triển lãm lưu động “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam – Những bằng chứng lịch sử” tại đảo Trường Sa lớn và trao tặng bộ bản đồ và tư liệu cho đảo Sinh Tồn và đảo Nam Yết. Cuộc triển lãm trưng bày các bản đồ và tư liệu lịch sử - pháp lý chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Những hiện vật, tư liệu được trưng bày ở trên là những chứng cứ có giá trị pháp lý nhất, vững chắc nhất, là kho vũ khí hiện đại nhất, mạnh nhất khẳng định chủ quyền bất khả xâm phạm của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Chuyến hải trình ra Trường Sa lần này, chúng tôi may mắn được thăm cụm đảo Sinh Tồn với những cái tên đã trở thành một phần hết sức ý nghĩa trong lịch sử dân tộc như Cô Lin, Len Đao, Gạc Ma. Trong cuộc chiến đấu không cân sức để bảo vệ chủ quyền, đã có 64 người con đất Việt ngã xuống, hòa mình vào biển đảo quê hương. Các anh đã trở thành bất tử, vùng biển đảo của quê hương sẽ còn nhắc đến mãi hình ảnh mẫu mực của Anh hùng liệt sỹ, Trung tá Trần Đức Thông, Anh hùng liệt sỹ Đại úy Vũ Phi Trừ; Anh hùng liệt sỹ Thiếu uý Trần Văn Phương… Mặc dù nhiều năm qua Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành, trực tiếp là cán bộ, chiến sĩ Hải quân đã cố gắng làm hết sức mình. Song lòng biển thì sâu, rộng, mà sức người có hạn, hoàn cảnh bất lợi nên đến nay hình hài nhiều đồng chí vẫn đang phải nằm lại nơi biển sâu lạnh lẽo, đang hàng ngày, hàng giờ mòn mỏi theo thời gian, quặn đau trong sự khắc nghiệt của thiên nhiên, bão tố. Dù không có một tấm bia, không một ngôi mộ nhưng đây là nơi mà tất cả các đoàn công tác từ đất liền, các tàu hải quân, tàu kiểm ngư, tàu cá của ngư dân mỗi khi đi qua vùng biển này đều hú 3 hồi còi, làm lễ thả hương, hoa tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ.

Có đặt chân đến Trường Sa một lần, mới thấy rằng, chủ quyền của dân tộc Việt trên quần đảo này được khẳng định và thể hiện từ những điều hết sức bình dị, đơn sơ. Đó là hình ảnh ngôi nhà tưởng niệm Bác Hồ tôn nghiêm, hùng tráng; là những mái chùa cong vút cùng tiếng mõ tụng kinh của các sư thầy trên các đảo; là tiếng lợn, gà, vịt, chó, là những cây bàng vuông, mù u, phong ba được cắt tỉa tỉ mỉ và đánh số cẩn thận trên mỗi hòn đảo; là những ngư dân chất phác, hiền hậu chèo mủng đi đánh cá vào mỗi buổi sang ban mai, là hình ảnh những trẻ em – những chú hải quân nhí đầu đội mũ ca lô, quàng khăn đỏ ngày hai buổi đến trường… Tất cả đều rất bình dị, thân quen nhưng rất đỗi tự hào giữa Trường Sa nắng gió, tất cả đều tự hào với tinh thần “Đảo là nhà, biển cả là quê hương” để chăm lo phát triển kinh tế, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển đảo. Giữa nắng, gió bão bùng, cuộc sống vẫn đâm chồi, nảy lộc, những thế hệ công dân tiếp tục chào đời trên mảnh đất thiêng liêng này.

Tạm biệt Trường Sa ! xin chúc cho các anh chân cứng đá mềm, trời yên, biển lặng để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, xứng đáng với hình ảnh anh bộ đội Cụ Hồ, xứng đáng với truyền thống anh hùng của Hải quân nhân dân Việt Nam. Sinh thời Bác Hồ từng căn dặn rằng: "Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng, ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết gìn giữ lấy”. Mỗi người dân Việt Nam đều cần phải ý thức được rằng, chủ quyền biển đảo là thiêng liêng, cao cả và bất khả xâm phạm, tất cả đều có nhiệm vụ thực hiện lời dặn của Bác Hồ kính yêu.

Nguyễn Viết Trường

 


    Ý kiến bạn đọc