Để ngành Du lịch Hà Tĩnh phát triển xứng đáng với tiềm năng và lợi thế
EmailPrintAa
15:59 09/07/2014

Năm 2013 với nhiều sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch nổi bật, là năm có nhiều bước tiến cho ngành du lịch của cả nước nói chung và Hà Tĩnh nói riêng. Sau nhiều năm nghiên cứu, tháng 5/2013, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020, tầm nhìn 2030 và Đề án Một số chính sách khuyến khích phát triển du lịch Hà Tĩnh giai đoạn 2013 - 2020 nhằm tạo tiền đề, nguồn lực và hành lang pháp lý để Du lịch Hà Tĩnh phát triển tương xứng với tiềm năng trong những năm tới.
 
 Thiên Cầm biển gọi

 Ngay từ những ngày đầu năm 2014, Hà Tĩnh đã tăng cường hợp tác, kết nối với các tỉnh của nước bạn Lào, vùng Đông Bắc Thái Lan qua Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo và Quốc lộ 12A; rà soát, đánh giá, tiếp tục triển khai những cam kết song phương, đa phương về du lịch, đồng thời hiện thực hóa một số chủ trương, kế hoạch trong các hội thảo, diễn đàn, toạ đàm... mà các bên đã tham gia, đề xuất, đặc biệt là hợp tác quốc tế trong việc xây dựng sản phẩm du lịch liên quốc gia trên hành lang kinh tế Đông Tây.

Với những lợi thế đó, trong năm 2013 tổng lượt khách du lịch đạt 1.093.759 lượt người tăng 18,4% so với năm 2012, trong đó khách quốc tế đạt 17.857 lượt khách tăng 16 % và khách nội địa đạt 1.075.901 lượt khách tăng 18.5% so năm với 2012. Doanh thu đạt 515 tỷ đồng tăng 27 % so với năm 2012, nộp ngân sách 51,5 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hơn 8.500 lao động. Trong 6 tháng đầu năm 2014. Tổng lượt khách du lịch 601.023 lượt người tăng 16,3 % so với 6 tháng đầu năm năm 2013. Tổng doanh thu đạt 297 tỷ đồng, tăng 25,8% so với cùng kỳ năm 2013, nộp vào ngân sách là 29,7 tỷ đồng.

Điểm xuất phát du lịch Hà Tĩnh thấp hơn nhiều so với tỉnh khác trong vùng và cả nước. Sản phẩm du lịch, cơ sở hạ tầng tại các điểm du lịch, nhà hàng khách sạn còn thiếu và yếu về hình thức, sản phẩm đơn điệu, điểm dừng chân, khu vui chơi giải trí chưa có; thiếu trung tâm mua sắm tầm cỡ, ẩm thực còn nghèo nàn, không có sân bay, ga tàu tại trung tâm tỉnh lị... do đó chưa có sức hấp dẫn với du khách. Thiếu sản phẩm du lịch có thương hiệu, có sức cạnh tranh cao; thiếu các khu vui chơi giải trí tổng hợp, các khu dịch vụ đi kèm mang tầm cỡ quốc gia, quốc tế. Khai thác du lịch đang ở dạng tự nhiên, mang tính thời vụ, chưa tạo được nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn để phục vụ du khách; có nhiều làng nghề truyền thống nhưng chưa có sản phẩm đặc trưng phục vụ khách du lịch.

  Đội ngũ nhân lực hoạt động, kinh doanh trên lĩnh vực Du lịch - Dịch vụ - Khách sạn còn non yếu về nghiệp vụ chuyên môn, chưa đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ hội nhập. Công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chưa được chú trọng, nhất là đối với lực lượng lao động trực tiếp phục vụ trong các khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng. Bên cạnh đó, một số cấp ủy, chính quyền các cấp chưa thực sự quan tâm đến ngành Du lịch. Kinh phí đầu tư vào hoạt động du lịch còn quá ít. Chưa làm tốt công tác thanh tra kiểm tra, nạn "chèo kéo, chặt chém", đẩy giá quá cao mùa cao điểm, bán phá giá mùa thấp điểm vẫn còn xẩy ra ở một số khu điểm du lịch. Trong khi đó, hiện toàn tỉnh Hà Tĩnh có 6 công ty lữ hành, trong đó chỉ có 2 trung tâm lữ hành quốc tế: Trung tâm lữ hành quốc tế của công ty cổ phần Du lịch Hà Tĩnh, Trung tâm lữ hành quốc tế Tân Hồng. Các công ty đã thực hiện được nhiều tour du lịch sang Lào và Thái Lan bằng đường bộ qua cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, nhưng do quy mô và nghiệp vụ còn yếu cho nên khai thác du lịch theo tuyến này còn nhiều hạn chế so với tiềm năng sẵn có của tuyến du lịch này.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên và để ngành du lịch Hà Tĩnh phát triển tương xứng với tiềm năng và lợi thế, trong thời gian tới, ngành du lịch cần thực hiện quyết liệt và đồng bộ các nhiệm vụ giải pháp trọng tâm sau:

Một là,  phối hợp tốt các cơ quan, ban ngành, các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội, các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương  đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá để cán bộ, nhân dân nhận thức rõ dịch vụ, du lịch - thương mại là ngành kinh tế quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội.

Hai là, Tổ chức thi thiết kế và sản xuất sản phẩm quà lưu niệm đặc trưng của Hà Tĩnh. Tổ chức các hội thi ẩm thực, món ngon Hà Tĩnh với sự tham gia của các nhà hàng, khách sạn, các chuyên gia chế biến nhằm nâng cao tay nghề, đồng thời giới thiệu, quảng bá và chọn đưa vào thực đơn phục vụ du khách.

Ba là, Tiếp tục kêu gọi đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng các điểm đến du lịch trọng điểm: Du lịch tắm biển nghỉ dưỡng sinh thái (Thiên Cầm, Xuân Thành, Nước sốt Sơn Kim, Sinh thái Sông Nghèn, Danh thắng Quỳnh Viên - Lê Khôi, sinh thái Hồ Tàu Voi, Hồ Kẻ Gỗ, khu du lịch sinh thái Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác); Du lịch văn hóa lịch sử cách mạng (Di tích Lịch sử Ngã ba Đồng Lộc, Khu lưu niệm Nguyễn Du, Khu lưu niệm và khu mộ Tổng Bí thư Trần Phú, Hà Huy Tập); Du lịch tâm linh (Chùa Hương Tích, Đền thờ Chế thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu, Đền Chợ Củi, Đền Lê Khôi, Đền thờ Vua Hàm Nghi, Đền Truông Bát); Phát triển các tour, tuyến du lịch chính Gắn văn hóa tâm linh, truyền thống văn hóa của các địa phương với du lịch - thương mại. Du lịch tham quan Khu kinh tế Vũng Áng, cảng Sơn Dương. Triển khai tốt dự án của ADB và nguồn xã hội hóa để đầu tư hạ tầng tại các điểm du lịch; Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án. Quan tâm xây dựng các điểm bán sản phẩm lưu niệm cho khách du lịch.

Bốn là, Bảo tồn, phát huy giá trị các lễ hội, phát huy các làng văn nghệ nổi tiếng như: ca trù Cổ Đạm, chèo Kiều Xuân Liên, ví phường vải Trường Lưu, làng nón, hò ví dặm Đan Du, Phong Phú... Phát huy hiệu quả hoạt động của Nhà hát nghệ thuật truyền thống, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh để phục vụ khách du lịch tại các khu, điểm, du lịch cộng đồng, di tích. Chuẩn bị Đề án phối hợp với tỉnh Nghệ An tổ chức Festival về dân ca Nghệ Tĩnh (sau khi được công nhận là di sản phi vật thể đại diện của nhân loại) và 2 đến 3 năm tổ chức một lần trong những  năm tới.

Năm là, Tăng cường hợp tác giao lưu văn hoá, thể thao và kết nối các tour du lịch ở Hà Tĩnh với các tỉnh của Lào, Thái Lan và quốc tế.

Sáu là, Quan tâm công tác đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng được nhu cầu dịch vụ du lịch thương mại; Tăng cường công đào tạo kỹ năng nghiệp vụ, kỹ năng giao tiếp, ngoại ngữ cho đội ngũ hướng dẫn, thuyết minh viên và lao động tại các khu điểm du lịch khách sạn.

 Bảy là, Tăng cường quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra các hoạt động dịch vụ du lịch - thương mại. Thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở, người bán hàng rong, chèo kéo, ép giá, nâng giá sai quy định đối với khách du lịch tại các khu, điểm du lịch, cơ sở lưu trú; kiểm tra công tác an toàn vệ sinh thực phẩm tại các khu, điểm, cơ sở kinh doanh du lịch. Thường xuyên thông tin, phát trên loa về tình hình giá cả các loại hàng hóa, dịch vụ cung cấp tại khu du lịch cho khách hàng biết để tránh tình trạng ép giá, nâng giá, chặt chém. Ban quản lý các khu, điểm du lịch và các di tích thành lập trung tâm thông tin và hỗ trợ du khách, đội an ninh du lịch tự quản bảo vệ du khách; lập đường dây nóng 24/24...

Thực hiện đồng bộ các giải pháp trên sẽ thúc đẩy phát triển du lịch, dịch vụ thành một ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh trong thời gian tới, đồng thời góp phần quảng bá hình ảnh quê hương Hà Tĩnh với bạn bè trong nước và trên thế giới.

Lê Trần Sáng

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

 


    Ý kiến bạn đọc