Người giữ rừng nơi cửa biển
EmailPrintAa
16:03 08/09/2014

Nếu mới gặp lần đầu, chẳng mấy ai nghĩ người cựu chiến binh tráng kiện ấy đã ở tuổi 85 tuổi. Đặc biệt hơn, ông đã có hơn 30 năm cần mẫn bỏ công, bỏ của chăm chút trồng rừng phi lao phòng hộ cho vùng biển quê mình. Ông tên là Nguyễn Lán, quê xã Xuân Hội, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh).

Nói theo cách của ông thì “trước mặt nhà tui là cửa Lạch Hội. Bên trái là con sông Lam, bên phải là biển cả. Sóng nước vây bủa ba bề. Bầy tui không trồng rừng phòng hộ che chắn cho đất, cho người, sống mần răng được, chú ơi!”.

Ông nói với tôi như vậy vào một ngày biển động. Hàng ngàn con sóng sủi bọt đục ngầu gào thét dưới chân đê trước ngôi nhà nhỏ bé nép trong rừng phi lao ngút ngàn của ông. Bằng chất giọng của người quen "ăn sóng nói gió", ông kể:

- Thời trai trẻ, năm 1949, tui rời tay chèo vác khẩu súng trường làm anh bộ đội của Đại đoàn 304. Tui tham gia đánh thực dân Pháp mấy năm rồi lại trở về với thuyền, với lưới. Có sống ở vùng quê này mới biết, người dân quê tui chịu khổ, chịu sở vì bão tố nhiều quá. Sau chiến tranh, những cánh rừng phi lao phòng hộ ven biển nơi này bị bom đạn phá tan tành. Không còn rừng che chở, biển thừa cơ dâng sóng nuốt chửng nhiều bãi cát, ruộng vườn của nhân dân. Biển lấn bờ, nuốt bãi đến chóng mặt. Nhiều nơi trước đây nếu đi hết tán cây rừng phi lao phòng hộ ven biển này thì sẽ gối mỏi chân chồn, thế mà từ đầu những năm 80 của thế kỷ trước, chẳng còn thấy bãi cát, cây cối, ruộng vườn đâu nữa. Sáng dậy, mở mắt ra chỉ thấy sóng bạc đầu lớp lớp xô tràn vô tận ngõ. Những ngày biển động, ngồi trong nhà nghe sóng đánh, đất cứ rung lên bần bật như ngồi trên mặt trống. Nghĩ mà thương đất đai, thương bà con ta lắm chú ơi! Bão tố liên miên tràn vô. Đến cơn bão số 7 năm 1982, không còn rừng phi lao che chở, sóng dâng cao hàng chục mét, đập vỡ đê, đào thành một con sông rộng, cắt làng Hùng Cường (xã Xuân Hội) quê tui làm hai mảnh. Từ đó, cứ đến mùa bão là dân làng lo thon thót, dắt díu nhau… chạy bão.

Ông ngừng kể, kéo tôi ra cái chòi canh biển của mình dựng lên, cách nhà chưa đầy trăm mét. Nhìn những cánh rừng phi lao trùng trùng điệp điệp quanh chòi canh mà sướng cả con mắt. Tôi lựa lời:

- Dễ chừng những cánh rừng này có đến hàng vạn cây ông nhỉ? Trồng được ngần này cây trên cát trắng chắc vất vả lắm. Mà tôi hỏi thật không phải: Cái ý tưởng trồng rừng này của ông manh nha từ khi nào vậy?

- Ồ! Ngày tháng cho chính xác thì tui không còn nhớ rõ, nhưng hình như là sau cơn bão số 7 năm 1982 mà đài, báo gọi là cơn bão thế kỷ ấy. Gọi thế chẳng ngoa vì khi bão đến, những quãng đê sông Lam, đoạn nào không còn rừng phòng hộ là bị sóng đánh tan tành. Cả con tàu nặng vài trăm tấn cũng bị sóng hất tung lên bờ, nhà cửa thì sập tơi bời. Sau cơn bão, nhà tui cũng chẳng còn. Nhìn cái nhà bẹp dúm dó, tui chưa buồn dọn mà khoác tơi đi một vòng quanh bờ biển. Có đi mới biết, tui thấy nơi mô rừng phi lao còn sót lại, trụ được với sóng to, gió cả, nơi đó nhà dân chẳng hề hấn gì. Thế là tôi nảy ra ý tưởng trồng rừng…

 

Ông Nguyễn Lán bên một cánh rừng do mình trồng.

 

 - Tuyệt vời! -Tôi trầm trồ rồi hỏi dồn - Trồng cây trên cát, lại là cát biển, ông trồng cách sao? Lại còn giống má, tiền nong ông lấy đâu ra?

- Nhiều người cũng đã hỏi tui câu đó. Ngày ấy, có mấy ai dám cả gan nhận đất để trồng cây trên cái bờ biển chỉ còn mấy cụm xương rồng sống được, khác chi đánh bạc với trời! Vùng này mùa hè chưa nói đến nắng, chỉ “anh” gió Lào ngùn ngụt như quất lửa vào mặt, cũng đủ sợ rồi. Nắng gió hợp nhau lại, nóng đến kinh người. Trồng cái cây xuống đó để nó sống được, đâu phải dễ dàng gì. Phải đi lại tưới tắm cho cây; phải trông giữ trâu, bò thả rông kẻo chúng phá hết. Giữa trưa nắng như đổ lửa cũng phải mang áo tơi mà đi tuần, nên người tôi khi đó đen đúa, mồ hôi ướt đẫm cả áo quần! Vốn liếng mua cây giống thì lấy từ tiền bà nhà tui bán cá mà mua. Nhiều phen chưa có tiền thì mua chịu đã, trả sau. Cứ tháng tám hằng năm khi mùa mưa tới, tui với bà xã lại tong tả mua mỗi bận vài ba trăm cây, rồi kéo cả nhà ra trồng cây! Mỗi năm trồng một ít, thế bây chừ nên… rừng đó chú!

Nghe ông kể thật vui, tôi hào hứng:

- Tôi thấy ở vùng trung du, hay vùng núi, những ai có gan trồng được những cánh rừng chỉ cần bằng một phần tư rừng của ông đây thôi, đã thành triệu phú rồi. Ông trồng rừng, có bao giờ nghĩ mình sẽ thành triệu phú không?

- Chú ơi! Ai chẳng muốn mình bỏ công, bỏ của, bỏ sức ra trồng cái cây để được đền đáp. Nhưng trồng rừng phòng hộ biển đâu phải để mang mộng làm giàu! Thật lòng, thi thoảng vợ chồng tui cũng “chặt ton”, nói “theo các ông ủy ban” là “chặt theo quy hoạch” những cây đã đến tuổi khai thác cho dân làm củi đun, hoặc cho cánh thợ xây làm cột chống cốp-pha. Cũng có thu nhập tí chút đó, những chẳng đáng là bao. Điều quan trọng là mình bỏ công lao, mồ hôi, nước mắt và cả máu nữa trồng nên rừng để che gió, chắn cát, ngăn sóng cho quê hương yên lành, cho bà con mình an cư mà lạc nghiệp đó thôi. Vất vả một chút có hề chi đâu chú!

- Máu? Ông nói trồng rừng thời nay mà có cả máu?

- Phải! Có cả máu đó chú! Ngày trước, khi xã giao đất cho dân trồng rừng thì một số người không dám làm. Đến khi thấy rừng tui trồng xanh tốt bời bời, có mấy thằng trong xã "ghen ăn tức ở" táo tợn kéo đến chặt cây, phá rừng. Tui chạy ra can, thế là chúng xông vô đấm đá. Chú tính, tui ngần này tuổi rồi địch sao nổi với lũ trẻ trai. Tui bị chúng đấm mấy quả gãy liền 6 cái răng, lại còn vung dao chém. May mà tui đỡ được, chỉ mất một đốt ngón tay út. Nghe ồn ào, mấy đứa con tui nhào vô, bọn chúng mới chạy mất dạng. Mấy ngày sau, chúng bị công an hỏi thăm nên từ đó không dám quậy phá nữa.

Tôi đi đến nắm bàn tay ông, trong lòng trào dâng một niềm cảm phục sâu xa. Chợt nhớ điều tôi nghe mấy cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng 160 kể, bèn hỏi:

- Nghe nói, không những trồng rừng, ông đã chẳng quản hiểm nguy đến tính mạng, cứu sống nhiều người khỏi chết đuối giữa biển?

- Chuyện có đấy nhưng cũng bình thường thôi, chú ạ. Thấy người sắp chết đuối thì phải cứu thôi! Thế mà có lần để cứu một người, tui đã suýt chết vì bị anh ta nắm tóc ghì xuống. Người bị nạn trên biển cũng lắm cách, nhiều vẻ. Người thì bị lưới trùm, dây nhợ cột lấy chân không bơi được, người thì bị gió bão quăng quật mà rơi xuống biển, lại có người đi tắm biển chẳng may sa vào vùng nước xoáy… Muốn cứu họ, ngoài việc anh phải bơi thật giỏi, thì điều quan trọng là phải có kinh nghiệm. Nếu không thế, người đi cứu lại chết trước vì bị người bị nạn nắm tóc, hay ôm cổ lôi ghì xuống. Tui đã nhiều phen bị thế rồi. Nhưng tui không sợ. Bởi tui nghĩ họ cũng là con người, cũng có cha mẹ, vợ con, anh em… Thế nên, cứ nghe tiếng kêu, là tui lại nhảy xuống nước bơi ra cứu. Mấy chục năm nay, tui đã cứu sống được 37 người suýt chết đuối rồi đó…

Nghe ông nói mà ấm cả lòng. Tôi còn biết thêm có lần, gia đình người được cứu sống mang tiền đến cảm ơn, ông kiên quyết chối từ. Dù tôi biết rằng, là người lính trở về đời thường, ông không hề được hưởng chế độ đãi ngộ gì. Đặc biệt, giờ đây ông đang sống một mình vì các con đã ra riêng cả và mấy năm trước, vợ ông đã bỏ ông về với tổ tiên!.

Chia tay rồi, tôi cứ nhớ mãi cái điều ước ao giản đơn mà ông chia sẻ với tôi: “Lâu nay, vùng quê tui người ta ít ươm cây giống mà phải nhập từ Thanh Hóa vào. Giống cây cũng đắt, tui không đủ tiền mua. Nhờ chú nói với các ông trên xã, trên huyện nếu được, mùa trồng phi lao tháng 8 năm nay, cấp cho tui dăm trăm hay cả vạn cây giống càng tốt để tui trồng tiếp những bãi cát còn trống. Ông trời ngày càng trở tính, bão tố ngày một thất thường, không có rừng, đất đai, bà con mình tội lắm...”. 

Bài và Ảnh Nguyễn Xuân Diệu


    Ý kiến bạn đọc