Trong hồi ký của mình, Giáo sư Đặng Thai Mai đã viết về Nguyễn Sĩ Sách: "... Anh thật thà đến bộc trực. Khi bình phẩm về người và việc trong xã hội thì lời nói và tâm hồn anh là cả một khối lửa. Anh ít nói nhưng suy nghĩ nhiều, bởi vậy tiếng nói của anh vẫn có sức nặng. Anh thông minh và ham học..., không đứng đầu lớp nhưng hàng năm vẫn được xếp vào loại học sinh giỏi. Anh Sách thích văn học và lịch sử thế giới, thích nghe nói chuyện bí mật về phong trào cách mạng trong nước, trên thế giới"...
Năm 1924, Nguyễn Sĩ Sách (quê làng Tú Viễn, Yên Thành, Nghệ An) đỗ thành chung khóa đầu tiên ở trường Quốc học Vinh. Mới mười bảy tuổi anh đã trở thành một trợ giáo trẻ và được bổ về dạy tại trường Tiểu học Pháp - Việt Hà Tĩnh.
Mùa thu năm 1925, Nguyễn Sĩ Sách tham gia Hội Phục Việt (sau đổi là Hội Hưng Nam, tiền thân của đảng Tân Việt). Được nhận trách nhiệm gây cơ sở ở Thị xã Hà Tĩnh, anh đã chọn trường tiểu học Pháp - Việt, nơi anh đang giảng dạy làm mãnh vườn ươm đầu tiên. Anh có phương pháp nhẹ nhàng nhưng kín đáo truyền bá tư tưởng yêu nước, chống Pháp trong giáo viên, học sinh, rồi nhóm hội viên Tân Việt đầu tiên do anh vận động được thành lập gồm: Nguyễn Trí Tư, Hoàng Đức Thi (giáo viên), Trần Tích Thiện, Nguyễn Công Hoạch, Lê Bá Cảnh, Nguyễn Huy Lung, Nguyễn Đình Chuyên (học sinh) bắt đầu có những hoạt động.
Nguyễn Sĩ Sách thường bí mật đọc và chọn dịch những bài báo tiếng Pháp quan trọng sang tiếng Việt để phổ biến cho anh em trong nhóm. Mới về trường, nhưng anh đã sớm nhận được sự gần gũi trong đồng nghiệp và những cảm tình sâu sắc trong học sinh, nhất là lớp học sinh lớn tuổi.
Hiệu trưởng Tôn Thất Cổn đã bắt đầu cảm thấy có điều gì "bất ổn" ở anh và muốn đưa ông giáo trẻ này vào "khuôn phép", nhưng vô hiệu. Vị đốc học người Pháp J.Grigori và cả MacTy (Marty) công sứ Pháp tại Hà Tĩnh, nhiều lần đã "mời" Nguyễn Sĩ Sách đến chuyện trò và khuyên bảo:
- Anh mới ra trường, hãy dẹp bầu nhiệt huyết kia lại. Anh còn trẻ tuổi, chúng tôi thành thật khuyên anh nên đi vào việc trau dồi nghề nghiệp. Con đường tốt đẹp, đầy triển vọng phía trước đang chờ đón anh.
Nguyễn Sĩ Sách bỏ ngoài tai tất cả những lời khuyên ấy. Giám đốc nha học chính Trung Kỳ Đê-Lê-Ti (Délétie) khi biết điều ấy đã gọi anh về Huế để can thiệp và đe dọa:
- Anh là đứa con được "nước mẹ" Đại Pháp đào tạo, tại sao anh giám vô lễ cãi lại các quan trên và có những hành động phản bội?
- Tôi làm việc nghĩa. Tôi chống lại những người làm việc thiếu đạo đức. Tôi đòi hỏi một sự bình đẳng, công bằng. Sao ông lại bảo tôi là phản bội?
Délétie đóng sầm cửa lại, mắt trừng trừng toan hành hung. Nguyễn Sĩ Sách cũng đứng phắt dậy, vớ chiếc ghế đang ngồi. Hai bên nhìn nhau nẩy lửa. Một lúc, anh đẩy cửa, đường hoàng bước ra không thèm chào, mặc cho vị thượng quan Giám đốc Nha học chính ấm ức nhìn theo.
Anh đến Bến Ngự thăm Phan Bội Châu và kể lại chuyện trên. Cụ Phan đồng tình với thái độ cứng rắn của anh, nhưng cụ khuyên: "Đối với giặc nước đấu tranh kiên quyết, nhưng phải hết sức khôn khéo, chớ vì bực tức mà phản ứng manh động, đơn độc, lẻ loi".
Hai tuần sau, Nguyễn Sĩ Sách buộc phải rời Hà Tĩnh vào dạy trường huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên. Được ít lâu, Nguyễn Sĩ Sách xin chuyển sang ngành xe lửa Đà Nẵng, rồi bỏ việc về Vinh mở "Tam ký thư quán" và tiếp tục hoạt động cách mạng.
Năm 1927, Nguyễn Sĩ Sách được cử sang Quảng Châu dự lớp huấn luyện của Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội và được gặp Nguyễn Ái Quốc. Năm 1929, anh được bầu vào Ban chấp hành Tổng bộ Thanh niên, đặc trách công việc trong nước. Công việc chuẩn bị cho việc thành lập Đảng Cộng sản đang được xúc tiến khẩn trương thì anh bị bắt, bị đày đi Lao Bảo, rồi bị sát hại tại nhà lao ngày 19/12/1929.
2. Lê Bá Cảnh
Cũng trong thời gian thầy Sách bị sát hại tại Lao Bảo thì tại thị xã Hà Tĩnh, các đồng chí, đồng nghiệp và học trò của anh, bộ phận nòng cốt trong nhóm Sinh hội đỏ đã tổ chức thành công việc ra đời Chi bộ Đảng trường tiểu học (tháng 11/1929). Đây cũng là tổ chức cơ sở Đảng Cộng sản đầu tiên tại thị xã Hà Tĩnh và những vùng lân cận. Chi bộ Đảng đầu tiên gồm năm người, do Lê Bá Cảnh làm Bí thư, tất cả đều là những hạt giống được nảy mầm trên mảnh vườn ươm mà từ mấy năm trước thầy Nguyễn Sĩ Sách đã dày công gây dựng.
Lê Bá Cảnh (1911 - 1941) quê làng Mỹ Lũ, xã Hà Trung (nay là Kỳ Văn, Kỳ Anh), dòng dõi Hoàng giáp Lê Tuấn (1817 - 1874). Năm 1926, Lê Bá Cảnh học trường Pháp - Viêt Hà Tĩnh. Được các thầy giáo Nguyễn Sĩ Sách, Nguyễn Trí Tư dìu dắt, Cảnh tỏ ra là một thanh niên hăng hái, gan dạ.
Ở trường hồi ấy, việc giáo viên xỉ mắng, đánh đập và đuổi học trò là chuyện hàng ngày. Lần ấy đốc học Gơ- ríp- phông (Griffon) đuổi một anh học trò ra khỏi lớp, Lê Bá Cảnh đứng lên kịch liệt phản đối rồi bỏ ra ngoài. Nhiều học sinh khác ra theo. Công sứ Marty vội đến dàn xếp, hứa hẹn nhận yêu sách của học sinh để xoa dịu lòng phẫn nộ của họ.
Sau việc đó, Lê Bá Cảnh được kết nạp vào tổ chức Tân Việt và hoạt động rất say mê. Năm 1929, chưa vào được trường quốc học Vinh, Lê Bá Cảnh tiếp tục học lớp bổ túc tại trường tiểu học Pháp - Việt Hà Tĩnh. Tại đây anh cùng Nguyễn Huy Lung, Nguyễn Đình Chuyên..., lập nhóm nòng cốt trong tổ chức "Sinh hội đỏ". Từ nhóm "nòng cốt" này mà chi bộ Đông Dương cộng sản trường tiểu học được thành lập gồm năm người do Lê Bá Cảnh làm Bí thư.
Hoạt động đầu tiên của chi bộ là cuộc rải truyền đơn kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga đêm 06/11/1929. Tiếp đó là cuộc rải truyền đơn vào một ngày phiên chợ tỉnh cuối tháng chạp âm lịch. Hai sự kiện này đã làm xôn xao dư luận cả một vùng.
Đầu năm 1930, khi Trần Hữu Thiều (tức Nguyễn Trung Thiên) được xứ ủy cử vào Hà Tĩnh, Lê Bá Cảnh, Nguyễn Huy Lung và các đảng viên của chi bộ trường tiểu học đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng Đảng bộ tỉnh. Lê Bá Cảnh được cử vào Ban Tỉnh ủy lâm thời.
Vào một buổi học chiều, Đốc học Tôn Thất Cổn dẫn Giám binh kiêm cảnh sát trưởng Báctơ (Barthe) bất ngờ vào lớp khám xét hộc bàn, túi áo của Lê Bá Cảnh rồi dẫn anh về nhà trọ lục soát, bắt được nhiều tài liệu bí mật mà anh chưa kịp chuyển đi. Cảnh sát đã dùng mọi ngón đòn tra tấn nhưng không tìm được ở anh một lời khai nào, bèn lập hồ sơ giao cho Nam triều xét xử. Cái gan góc của Lê Bá Cảnh đã làm cho binh lính, viên chức ở nhà lao phải nể trọng và kính phục.
Ngày 18/4/1930, tòa án Nam triều Hà Tĩnh mở phiên tòa xét xử cộng sản đầu tiên, có khá đông người dự. Lê Bá Cảnh đã biến phiên tòa thành diễn đàn tuyên truyền cách mạng. Anh bị kết án 13 năm khổ sai và 7 năm quản thúc. Toàn quyền Đông Dương còn ra quyết định (số 15005) "Đuổi (Cảnh) vĩnh viễn ra khỏi các trường công ở Đông Dương và không bao giờ được nhận vào làm việc ở bất cứ công sở nào". Bị giam tại lao Hà Tĩnh đến sau cuộc đấu tranh của tù chính trị ngày 08/9/1930 anh bị đưa vào Đồng Hới.
Ngày 25/10/1934 Lê Bá Cảnh được tha, ở nhà ít lâu rồi ra Vinh dạy học trường tư. Vì tham gia phong trào "Đông Dương đại hội" ông bị trục xuất về Hà Tĩnh, được Tỉnh ủy giao phụ trách "Liên thành thư quán". Ngày 18/8/1937 hiệu sách bị khám xét, Lê Bá Cảnh được bố trí đổi vùng vào nhận công tác tại Quảng Nam, Phú Yên, rồi Phan Rang, Phan Thiết, Đà Lạt, Sài Gòn cho đến 25/4/1941 thì bị Thống soái Nam Kỳ ra lệnh buộc về nguyên quán. Nhưng ngày 19/5, Khâm sứ Trung Kỳ lại ra lệnh bắt anh vào trại an trí Ly Hy, rồi đưa lên Đắc Tô. Ngày 18/10/1941 Thống sứ Nam Kỳ lại yêu cầu trả Lê Bá Cảnh cho cảnh sát Sài Gòn.
Lê Bá Cảnh đã bị sát hại cùng với các chiến sĩ Nam Kỳ khởi nghĩa vào cuối năm 1941.
3. Chi bộ trường Tiểu học Pháp - Việt
"...Tháng 11/1929.... chi bộ Đông Dương Cộng sản đảng được thành lập, do đồng chí Lê Bá Cảnh làm bí thư, đây là chi bộ Cộng sản đầu tiên ở Hà Tĩnh... Như vậy, trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, ở thị xã Hà Tĩnh đã có các tổ chức Tân Việt Cách mạng đảng, Đông Dương Cộng sản đảng" (Lịch sử Đảng bộ Thị xã Hà Tĩnh XB năm 2000, trang 36, 37).
Đến nay vừa tròn 85 năm ngày chi bộ đầu tiên ấy ra đời (11/1929 - 11/2014)(1), một chi bộ gắn liến với các tên tuổi Nguyễn Sĩ Sách, Lê Bá Cảnh, Nguyễn Văn Lung, Nguyễn Đình Chuyên,... đều là giáo viên và học sinh trường Tiểu học Pháp - Việt. Đến nay, nhiều vị cao tuổi ở thành phố Hà Tĩnh vẫn còn nhắc đến sự kiện lịch sử và những tên tuổi quen thuộc ấy với tấm lòng đầy ngưỡng mộ. Tuy nhiên, cũng rất nhiều người không còn biết trường Tiểu học Pháp - Việt ấy là ở đâu nữa. Nên chăng cần giành cho "địa chỉ đỏ" này một tấm bia dẫn tích "Đây là nơi hình thành và hoạt động của Chi bộ Đông Dương Cộng sản đảng trường Tiểu học Pháp - Việt, tổ chức Cộng sản đầu tiên ở thị xã Hà Tĩnh".
Lê Văn Tùng
(1) Về thời điểm thành lập Chi bộ, Lịch sử Đảng bộ Thị xã ghi 11/1929; Hồi ký của Nguyễn Đình Chuyên ghi khoảng đầu tháng 10/1929.
Tin mới cập nhật
- Bức tranh kinh tế - xã hội với gam màu tươi sáng ( 16/01)
- Kỳ họp Hội đồng nhân dân cuối năm 2014 với nhiều quyết sách quan trọng ( 16/01)
- Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 85 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và mừng Xuân Ất Mùi 2015 ( 16/01)
- Vì sự bình yên cho nhân dân ( 16/01)
- Chuẩn bị tốt nhân sự cấp ủy - nhân tố đảm bảo nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng ( 16/01)
- Lịch sử khắc ghi tinh thần trách nhiệm của quân tình nguyện Việt Nam giúp đỡ nước bạn Lào, Camphuchia ( 16/01)