Tương đồng trong mỗi bước đi lên...
Hà Tĩnh - Bình Định có mối quan hệ gắn bó từ trong lịch sử ngàn năm của dân tộc: Khi vua Quang Trung từ Nam ra Bắc lấy thêm quân, lương thực và voi trận ở Kỳ Anh - một huyện nằm phía Nam Hà Tĩnh, trong đoàn quân tiến ra giải phóng thành Thăng Long (1789) nhiều người con của Hà Tĩnh đã tham gia vào cuộc hành quân thần tốc ấy và nhiều người đã trở thành tướng tài của đội quân Tây Sơn, được ghi vào sử sách của dân tộc, điển hình như: La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp (1723 - 1804) - người đã được Vua Quang Trung phong chức Lục Niên Hầu kiêm Viện trưởng Sùng Chính Viện để truyền bá việc học, đồng thời ông là người đã góp sức lớn để xây dựng thành Phượng Hoàng Trung Đô (Nghệ An hiện nay).
![]() |
|
Du lịch biển Quy Nhơn - Bình Định. Ảnh: P.V |
Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ đầy gian nan, thử thách của dân tộc ta, ở miền Bắc đã phát động nhiều phong trào thiết thực nhằm động viên quân dân miền Bắc thi đua sản xuất, chi viện cho đồng bào miền Nam, trong đó có phong trào kết nghĩa Bắc – Nam. Vào ngày 16/3/1960, Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã ban hành Chỉ thị 06 “về việc Hà Tĩnh kết nghĩa với Bình Định”. Từ đó, quân dân Hà Tĩnh – Bình Định đã không ngừng nêu cao tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau trong lao động sản xuất cũng như trong chiến đấu để đánh đuổi Mỹ - Ngụy. 8 huyện của Hà Tĩnh đã nhanh chóng kết nghĩa với 8 huyện của Bình Định để tăng sức mạnh tổng hợp trong kháng chiến. Sức mạnh tổng hợp đó được đánh dấu bằng sự ra đời của Đại đội pháo Bình Hà - Đại đội được thành lập chủ yếu là con em Hà Tĩnh, Bình Định tham gia và đã lập công xuất sắc trong chiến đấu bắn rơi nhiều máy bay, trực thăng Mỹ vang dội ở Núi Nài (26/3/1965). Sau chiến thắng Núi Nài, Hà Tĩnh đã phát động nhiều phong trào như: phong trào “Phát huy chiến thắng 26/3, Bình Hà quyết thắng”; chiến dịch thủy lợi Bồng Sơn (tên của một huyện phía bắc của tỉnh Bình Định). Ngoài những chiến dịch lớn, những công trình mang tên nhiều huyện của Bình Định, ngày đó, khi có một tin chiến thắng ở một địa danh của Bình Định thì Hà Tĩnh lại phát động một phong trào thi đua lập công hướng về Bình Định. Không chỉ vậy, trong những năm tháng chiến tranh gian khó, để đáp ứng được sức người sức của, nhiều cán bộ, chiến sỹ là người con của Bình Định đã ra tập kết tại Hà Tĩnh và tiếp tục góp sức mình xây dựng cho vùng đất này; Và Hà Tĩnh cũng đã có hàng vạn con em tình nguyện lên đường nhập ngũ vào Bình Định chiến đấu và lập công lớn.
Sau ngày hòa bình lập lại, giang sơn thu về một mối, nghĩa tình giữa Hà Tĩnh – Bình Định càng gắn bó keo sơn hơn, nhiều huyện thị của Hà Tĩnh vẫn tiếp tục có mối quan hệ bền chặt, gần gũi với Bình Định và nhiều con em Hà Tĩnh đã ở lại sinh sống, trưởng thành trên mảnh đất thân thương này. Nhà thơ Xuân Diệu quê mẹ ở xã Tùng Giản, huyện Tuy Phước, Bình Định, đồng chí Nguyễn Tiến Chương - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh cũng mang trong mình dòng máu của người con Bình Định hay Đại đội Trưởng đại đội pháo Bình Hà - Nguyễn Đức Mai quê Bình Định, nay ông đang sinh sống ở Hà Tĩnh... Hiện nay ở Bình Định, nhiều người con của Hà Tĩnh trở thành những doanh nhân, những cán bộ nghiên cứu, những văn nghệ sỹ tài ba, góp phần xây dựng Bình Định ngày mỗi giàu đẹp hơn. Mối lương duyên gắn bó này càng xiết chặt hơn tình đoàn kết keo sơn giữa hai tỉnh từ trong lịch sử ngàn năm cho đến tận ngày hôm nay.
![]() |
|
Du lịch biển Thiên Cầm - Hà Tĩnh. Ảnh: P.V |
Hà Tĩnh và Bình Định đều nằm trên dải đất miền Trung, có núi non hùng vĩ, điệp trùng, có đồng bằng phì nhiêu và biển khơi rộng lớn, nguồn tài nguyên tương đối phong phú và đa dạng, diện tích và dân số tương đồng; cả hai địa phương đều nằm ở những vị trí nối liền các trung tâm của đất nước và khu vực từ phía Nam ra - miền Bắc vào; là những địa phương nằm ở vị trí rất thuận lợi để nối liền với hành lang kinh tế Đông - Tây và cả hai tỉnh đều có thương cảng để đẩy mạnh giao lưu, hợp tác với các nước trong khu vực và quốc tế bằng đường hàng hải. Những lợi thế này là điều kiện tốt để Hà Tĩnh và Bình Định thúc đẩy phát triển kinh tế và cùng cả nước hội nhập quốc tế trong thời kỳ toàn cầu hóa.
Trên lĩnh vực văn hóa, hai tỉnh là những chiếc nôi của nền văn hóa nước Việt ngàn năm văn hiến, nếu Bình Định tự hào bởi mảnh đất thượng võ, thắm đượm những điệu lý, câu hò, những bài chòi, hát bội... được mọi miền biết đến. Thì Hà Tĩnh lại nổi tiếng với những làn điệu ca trù, sắc bùa và hát ví, giặm lắng đọng, ân tình. Trên nền bản sắc văn hóa đó đã sinh ra và nuôi dưỡng biết bao danh nhân nổi tiếng được cả nước và bạn bè thế giới ngưỡng mộ. Bình Định là quê hương của anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ, là nơi nuôi dưỡng tâm hồn và nhân cách của các danh nhân như hổ tướng Trần Quang Diệu, nữ tướng Bùi Thị Xuân, của nghệ nhân tuồng Đào Tấn và nhiều thi sỹ nổi tiếng như Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Yến Lan,… Hà Tĩnh lại là quê hương của Vua Mai Hắc Đế, là nơi sinh ra hai vị tướng Đặng Dung, Đặng Tất, là quê hương của La sơn Phu tử Nguyễn Thiếp, Phan Đình Phùng; của cố Tổng Bí thư Trần Phú, Hà Huy Tập và nhiều danh nhân nổi tiếng như Đại thi hào Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ,… Lại có người con mang hai dòng máu đàng trong, đàng ngoài như Xuân Diệu - được mệnh danh là “nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới” của thời kỳ 1930 - 1945. Cũng chính từ truyền thống lịch sử, văn hóa và điều kiện địa lý đó đã sinh ra và nuôi dưỡng những người con kiên cường, bất khuất, anh hùng trong chiến đấu chống ngoại xâm; cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, ham học hỏi, quý trọng nhân tài, dám nghĩ, dám làm, sống trung thực, nghĩa tình và rất mực thủy chung.
Trên lĩnh vực kinh tế - xã hội, nếu Bình Định tự hào vì có thành phố Qui Nhơn thơ mộng, thì Hà Tĩnh cũng luôn kiêu hãnh bởi có thành phố Hà Tĩnh thân thương, đầy sức trẻ, điều đặc biệt là hai thành phố này đều nằm trên trục đường thiên lý Bắc Nam, cửa ngõ thông thương với các tỉnh, với các nước trong khu vực. Trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Hà Tĩnh và Bình Định đang trỗi dậy với nhiều chương trình dự án đầu tư lớn của quốc gia trên địa bàn. Nếu Hà Tĩnh có Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, mỏ sắt Thạch Khê, có Khu Kinh tế Vũng Áng với nhiều dự án đầu tư lớn như khu công nghiệp nhiệt điện, luyện thép, hóa dầu, cảng biển nước sâu Sơn Dương, thì Bình Định lại có khu kinh tế Nhơn Hội, các khu công nghiệp Phú Tài, cảng biển Qui Nhơn để mở hướng thông thương, hội nhập ra biển lớn. Nhờ những thế mạnh tương đồng đó, Hà Tĩnh và Bình Định đang cùng thực hiện việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp - thương mại - dịch vụ. Bên cạnh việc đầu tư phát triển kinh tế, hai tỉnh cũng đã tập trung đầu tư cho văn hóa - xã hội, chú trọng đến vấn đề phát triển giáo dục, đào tạo nhân tài cho quê hương, đất nước. Bình Định đã xây dựng trường Đại học Qui Nhơn - Trường đại học lớn của miền Trung; còn Hà Tĩnh luôn tự hào là một trong những tỉnh dẫn đầu của ngành giáo dục đào tạo trên cả nước và có trường Đại học Hà Tĩnh đa ngành - cánh chim đầu đàn đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cho tỉnh nhà…
Cho hôm nay và mai sau
Phát huy tinh thần đoàn kết trong đấu tranh gian khổ, bước vào thời kỳ đổi mới, mối tình kết nghĩa giữa Hà Tĩnh và Bình Định lại càng bền chặt, sâu nặng hơn. Nhân dân hai tỉnh đã miệt mài lao dộng sản xuất để tiếp tục cùng cả nước thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa với niềm tin mãnh liệt vào công cuộc đổi mới và phát triển toàn diện; Đảng bộ hai tỉnh tiếp tục đề ra nhiều mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ có tính đột phá để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ của hai tỉnh và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, tiến tới chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. Trong những năm qua, Hà Tĩnh và Bình Định đã sát cánh kề vai, hợp tác trên nhiều lĩnh vực để cùng nhau phát triển, phấn đấu đưa hai tỉnh trở thành trung tâm kinh tế, trung tâm công nghiệp - dịch vụ của miền Trung.
Ngoài những cuộc gặp gỡ, giao lưu, ký kết hợp tác giữa các ngành, các lĩnh vực của hai tỉnh trong thời gian qua, ngày 11/4/2015, đại diện lãnh đạo 2 tỉnh đã có buổi làm việc để trao đổi, thống nhất những nội dung chủ yếu và kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm 55 năm kết nghĩa giữa hai tỉnh Hà Tĩnh - Bình Định với 4 hoạt động chính: Gặp mặt truyền thống; Tổ chức chương trình Giao lưu nghệ thuật; Hội đàm, ký kết biên bản hợp tác; Tổ chức các hoạt động tham quan Khu Kinh tế Vũng Áng và một số mô hình phát triển kinh tế, văn hóa, du lịch, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Hà Tĩnh…
Với những nét tương đồng trên các lĩnh vực, cùng với sự gắn kết bền chặt từ trong quá khứ đến hiện tại, tin tưởng trong tương lai và mãi mãi về sau Hà Tĩnh - Bình Định sẽ giữ trọn nghĩa tình sâu nặng, sát cánh bên nhau, cùng hợp tác phát triển ở tầm cao mới, nhằm đưa hai tỉnh tiến lên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Linh Uyên
Tin mới cập nhật
- Một số kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo Đại hội Đảng cơ sở ở Đức Thọ ( 06/07)
- Hồ Chí Minh phút cuối cùng của Người và ngọn lửa đầu tiên của cuộc đời - ký ức thiêng liêng của lịch sử và huyền thoại về một tình yêu ( 11/05)
- ĐẢNG BỘ VÀ NHÂN DÂN HÀ TĨNH KHẮC SÂU LỜI BÁC DẠY(*) ( 11/05)
- Bác Hồ nói về sự nghiệp thống nhất đất nước ( 11/05)
- Hội nghị Tổng kết 4 năm thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW của BCT và trao Giải thưởng sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học - nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức HCM" ( 11/05)
- Đại tướng Võ Nguyên Giáp với “Quyết định lịch sử” ( 11/05)