Một thời để nhớ
EmailPrintAa
09:39 31/08/2015

Tôi đang dạy học và làm Bí thư Đoàn trường ở Trường cấp 3 Phan Đình Phùng (Hà Tĩnh) trong thời gian chiến tranh chống Mỹ (1969) thì nhận được công văn điều động sang Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, công tác tại bộ phận Khoa giáo (Thời điểm này, theo lời thầy Bùi Văn Vân - Trưởng phòng Tổ chức cán bộ của Ty Giáo dục Hà Tĩnh thì Ty cũng đang có ý định điều tôi về làm Phó Hiệu trưởng Trường THSP Xã hội). Thế là tôi chuyển sang một lĩnh vực công tác chuyên môn mà tôi chưa từng học bao giờ. Có lẽ Trung ương cũng biết điều đó, nên sang năm 1970 tôi được cử đi học 6 tháng chuyên môn ở Hà Nội để về làm công tác khoa giáo. Duyên nợ của tôi với Tuyên giáo thực sự bắt đầu từ đây.

Tôi đang dạy học và làm Bí thư Đoàn trường ở Trường cấp 3 Phan Đình Phùng (Hà Tĩnh) trong thời gian chiến tranh chống Mỹ (1969) thì nhận được công văn điều động sang Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, công tác tại bộ phận Khoa giáo (Thời điểm này, theo lời thầy Bùi Văn Vân - Trưởng phòng Tổ chức cán bộ của Ty Giáo dục Hà Tĩnh thì Ty cũng đang có ý định điều tôi về làm Phó Hiệu trưởng Trường THSP Xã hội). Thế là tôi chuyển sang một lĩnh vực công tác chuyên môn mà tôi chưa từng học bao giờ. Có lẽ Trung ương cũng biết điều đó, nên sang năm 1970 tôi được cử đi học 6 tháng chuyên môn ở Hà Nội để về làm công tác khoa giáo. Duyên nợ của tôi với Tuyên giáo thực sự bắt đầu từ đây.

Nhớ lại những năm chiến tranh chống Mỹ, cơ quan Tỉnh ủy sơ tán ở xã Thạch Vĩnh (Thạch Hà), Yên Lộc (Can Lộc), tôi ở trong nhà dân, ban đêm ngồi viết dưới ngọn “đèn dầu phòng không” đựng trong hộp gỗ. Thời chiến đi công tác phần lớn bằng xe đạp, kể cả những vùng xa như Hương Khê, Hương Sơn, Nghi Xuân, Kỳ Anh,... có những lúc tôi suýt chết dọc đường vì máy bay Mỹ ném bom. Gian khổ, nguy hiểm nhưng tràn đầy lạc quan. Về cơ sở, ở nhà dân, ăn cơm nắm, tắm giếng ao... là chuyện thường. Tôi cũng đã từng có mặt ở tất cả các huyện, thành, thị ở Hà Tĩnh và Nghệ Tĩnh, trong đó có huyện miền núi cao Kỳ Sơn.

Trong thời gian làm công tác khoa giáo, chuyên trách lĩnh vực giáo dục, tôi đã tham mưu giúp Tỉnh ủy ban hành được nhiều chủ trương, chỉ thị, nghị quyết về công tác giáo dục trên địa bàn Hà Tĩnh và Nghệ Tĩnh, trong đó có chủ trương tổng kết điển hình giáo dục ở xã Cẩm Bình - huyện Cẩm Xuyên, Trường cấp 2  Nghĩa Đồng (Tân Kỳ) và đề ra chủ trương nhân điển hình tiên tiến trong Ngành Giáo dục... Tuy ở bộ phận Khoa giáo, nhưng những lúc cần cho công tác của Ban, nhất là các nhiệm vụ đột xuất, phục vụ chủ trương chung của Tỉnh ủy, tôi đều được điều động tham gia như việc triển khai học tập nghị quyết của đại hội Đảng, học tập hiến pháp, phục vụ các lễ kỷ niệm lớn. Tôi vẫn còn nhớ lần dẫn cả đoàn cán bộ đi chỉ đạo học tập, phổ biến Hiến pháp năm 1980 ở vùng biển Nghi Lộc (một trong 3 vùng thí điểm của tỉnh, gồm miền biển, đồng bằng, miền núi), suốt cả tháng trời chúng tôi ở nhà dân, ăn cơm dân, họp với dân, nghe dân nói, nói dân nghe. Rồi những lần vinh dự được giao nhiệm vụ viết bài cho những sự kiện quan trọng. Tôi đã viết rất nhiều bài, nhưng có lẽ xúc động nhất là hai lần viết bài phát biểu với hai trạng thái cảm xúc trái ngược nhau. Bài thứ nhất, viết mà nước mắt tuôn trào là Điếu văn truy điệu Bác Hồ được tổ chức tại Tỉnh ủy (1969). Bài thứ hai, vừa viết vừa vui mừng phấn khởi tột cùng là Diễn văn mừng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước cho đồng chí Trần Quang Đạt - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đọc tại lễ mừng chiến thắng được tổ chức ngày 15/5/1975 tại Nhà hát nhân dân (Thị xã Hà Tĩnh). Đến bây giờ nhớ lại, trong tôi vẫn nguyên vẹn cảm xúc bồi hồi, xúc động của hơn 40 năm về trước.

Năm 1991, Nghệ Tĩnh lại được chia thành 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Theo chủ trương của tỉnh, cán bộ ở tỉnh nào thì về tỉnh ấy, chúng tôi rất phấn khởi về lại phục vụ quê hương. Cán bộ của Ban, kể cả lãnh đạo lúc bấy giờ chưa đầy chục người nhưng công việc đều phải hoàn thành như một Ban có đầy đủ cán bộ, vì theo chủ trương của Trung ương và của tỉnh thì chia tỉnh nhưng không được “phình” biên chế. Lúc đó, cá nhân tôi phải kiêm nhiệm nhiều chức danh như Chánh Văn phòng kiêm Trưởng phòng Khoa giáo, Đảng ủy viên cơ quan, Bí thư Chi bộ Ban. Chúng tôi không ai về nhà riêng (vì nhà riêng cũng xa) mà đều ở cơ quan cả ngày lẫn đêm. Mọi công việc của cơ quan đều hoàn thành trọn vẹn, có những việc vượt yêu cầu kế hoạch đề ra.

Ngay sau chia tỉnh, Bản tin Nội bộ khổ nhỏ (14,5 x 20,5 cm) do Ban Tuyên giáo phụ trách đã được phát hành. Sau đó, Ban đề xuất với Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho xuất bản bản tin khổ lớn (19 x 26,5cm): Bản tin Thông tin - Tư tưởng do Bộ Văn hóa cấp giấy phép. Tôi cũng là một trong những người đầu tiên đóng góp xây dựng ý tưởng này. Để làm việc trên, khi đi công tác ở tỉnh bạn, ở đâu có phát hành bản tin khổ lớn tôi đều xin mang về và gửi cho các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Vì vậy, khi họp xét ý kiến của Ban Tuyên giáo đề xuất cho xuất bản bản tin khổ lớn, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã nhất trí cao. Tôi được cử làm Phó Tổng Biên tập kiêm Thư ký tòa soạn. Nói rằng có một tòa soạn của Bản tin nhưng trở đi, trở lại chỉ có mấy anh em trong Ban vừa làm công tác tuyên giáo, vừa làm báo. Tuy nhiên, ai ai cũng phấn khởi, cảm thấy như được tiếp thêm động lực để làm việc, để cống hiến và niềm vui càng được nhân lên bởi khi Ban Thường vụ đồng ý cho xuất bản khổ lớn thì kinh phí Bản tin là kinh phí độc lập, do đó công việc phát hành cũng trở nên chủ động và thuận lợi hơn. 

Vừa mới chia tỉnh, trường Chính trị Trần Phú được tổ chức lại (tách từ trường Chính trị Nghệ Tĩnh) nên còn thiếu giáo viên, trong đó có giáo viên dạy Lịch sử Đảng. Tôi nhận được quyết định của Thường trực Tỉnh ủy cử làm giảng viên kiêm chức, vừa giảng dạy, vừa đảm nhiệm công tác ở Tuyên giáo. Chẳng những dạy ở trường mà nhiều lúc theo bố trí của Ban Giám hiệu, tôi phải  tham gia giảng dạy các lớp tại chức ở huyện. Vui nhất là ba, bốn năm sau khi tôi về hưu, trường vẫn mời về giảng bài.

Năm 1998, khi tôi chuẩn bị được nghỉ hưu cũng là lúc Ban có chủ trương viết cuốn Lịch sử hoạt động Tuyên giáo của Đảng bộ tỉnh kể từ khi thành lập Đảng đến mãi về sau này. Tôi và một số đồng chí trong Ban được giao nhiệm vụ trực tiếp biên soạn, trong đó tôi là người làm đề cương và biên soạn nhiều nhất. Được làm công việc đúng chuyên môn đào tạo ở trường Đại học, tôi hào hứng bắt tay vào công việc, tìm lục hầu hết kho tư liệu của Ban (phần sử Đảng), kho tư liệu của UBND tỉnh, Tỉnh ủy Nghệ An (có những tài liệu về Nghệ Tĩnh), đọc báo cáo của các ngành có liên quan đến công tác tuyên giáo. Sau khi viết xong cuốn Lịch sử với chồng tài liệu cao tới gần 3m, tôi thở phào nhẹ nhõm và cảm thấy vinh dự, tự hào vì đã đóng góp vào việc lưu giữ truyền thống của Ngành. Cũng trong thời gian này, tôi tham gia biên soạn xong cuốn “40 năm Khoa học - Công nghệ và Môi trường Hà Tĩnh (1959 - 1999)”. Tháng 1/2000, tôi nhận quyết định nghỉ hưu.

Trong 30 năm nặng lòng với công tác tuyên giáo từ thời chiến đến thời bình, từ hợp tỉnh đến chia tỉnh có rất nhiều vấn đề đáng nói. Dù kết quả có như ý hay không, tôi vẫn luôn nhớ về Ban Tuyên giáo - là trường học dạy tôi nhiều điều bổ ích, là nơi khơi nguồn tình cảm cho tôi với Đảng, với đất nước, quê hương, với anh em, bạn bè,... Làm Tuyên giáo, tôi đã lớn lên rất nhiều. Tôi xin chân thành cảm ơn tất cả và xin nhớ mãi.

Một thời để nhớ đời đời

Một thời muốn ánh mặt trời nơi nơi

Một thời tình nghĩa biển khơi

Thuyền về neo đậu vọng lời tri ân.

Lê Văn Thiện

                                                                              Nguyên Trưởng phòng Khoa giáo


    Ý kiến bạn đọc