Người thương binh, nhà quản lý,nhà khoa học hết mình vì công việc
EmailPrintAa
08:54 31/08/2015

Tham gia chiến đấu, trở về từ chiến trường Nam Lào ác liệt sau khi bị thương nặng và 5 lần nằm trên bàn mổ, sau đó được đi học đại học, nghiên cứu sinh ở nước ngoài, trở thành giáo sư đầu ngành của ngành Du lịch Việt Nam và theo yêu cầu của tỉnh thầy đã trở về quê hương xây dựng Trường Đại học Hà Tĩnh và nay là Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng nhà trường - đó là Nhà giáo ưu tú, Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Văn Đính.

Đã từng là người lính, khi nói đến đồng đội, dù đã hy sinh hay còn sống, còn công tác, thầy luôn giành cho họ một tình cảm quý mến, trân trọng và biết ơn. Chính vì vậy thầy đã những việc thầy làm đều thể hiện tình cảm đó. Thầy là người khởi xướng thành lập đồng thời cũng là chủ tịch hoặc phó chủ tịch hội Cựu chiến binh ở nhiều trường đại học, cao đẳng mà thầy đã từng công tác. Những cuộc viếng thăm đồng đội cũ, thương binh, gia đình liệt sỹ, chất độc màu da cam… ở nhiều địa phương để chia sẻ khó khăn về vật chất và tinh thần đối với họ như là một tình cảm tự nhiên, một trách nhiệm thôi thúc thầy.

Ngay từ những năm đầu tiên trở về Hà Tĩnh, thầy đã liên lạc với đồng đội và thành lập Ban liên lạc Cựu chiến binh quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự giúp Lào. Cùng với đóng góp của cán bộ, giảng viên, học sinh, sinh viên trường Đại học Hà Tĩnh, thầy đã vận động nhiều cơ quan, doanh nghiệp, các nhà tài trợ đóng góp được hàng trăm triệu đồng xây dựng nhiều nhà tình nghĩa, hỗ trợ cho nhiều gia đình thương binh, liệt sỹ, cựu chiến binh, gia đình có hoàn cảnh khó khăn và cấp học bổng cho hàng trăm em học sinh thuộc diện chính sách, các em học sinh vượt khó, học giỏi.

Là người lính đã từng chiến đấu ở chiến trường Lào, thầy luôn xác định “xây dựng tình đoàn kết hữu nghị Việt - Lào là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng”. Vì vậy thầy đã quay trở lại chiến trường xưa, nơi thầy đã từng chiến đấu, để quảng bá, tuyên truyền, vận động con em các bộ tộc Lào đến học tại Trường Đại học Hà Tĩnh. Cùng với sự hỗ trợ của tỉnh, Trường Đại học Hà Tĩnh đã cấp học bổng cho gần 100 em lưu học sinh Lào. Hiện có gần 1400 lưu học sinh thuộc 10 tỉnh của Lào đang theo học đại học và học tiếng Việt tại Trường và hàng trăm em đã tốt nghiệp đang làm việc tại đất nước mình. Đại học Hà Tĩnh là trường đại học đào tạo cho nước bạn Lào nhiều nhất Việt Nam. Với thành tích đào tạo nhân lực và xây dựng tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt - Lào, Trường Đại học Hà Tĩnh đã được Chủ tịch nước CHDCND Lào trao tặng Huân chương Hữu nghị và bản thân thầy được Thủ tướng Chính phủ Lào trao tặng Bằng khen.

Với cương vị là nhà quản lý, hơn 8 năm qua, kể từ khi thành lập Trường Đại học Hà Tĩnh (2007), thầy đã dẫn dắt Trường từng bước ổn định, phát triển và đang ngày càng khẳng định được vai trò, vị thế của mình trong cả nước.

Tám năm làm Bí thư Đảng ủy, NGƯT.GS.TS. Nguyễn Văn Đính đã lãnh đạo Đảng ủy phát huy vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng, lãnh đạo 16 chi bộ cơ sở với tổng số 236 đảng viên luôn đoàn kết nhất trí, xây dựng khối đoàn kết trong Đảng. Mỗi năm, Đảng bộ nhà trường đã kết nạp hàng chục đảng viên. Đặc biệt, thầy đã lãnh đạo toàn Đảng bộ nhà trường đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; đưa chỉ thị của Đảng đi vào cuộc sống, tạo sức lan toả sâu rộng, nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của cán bộ, giảng viên, nhân viên và sinh viên của trường. Vì vậy, năm 2010, Đảng bộ đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen về 4 năm thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức  Hồ Chí Minh”. Từ năm 2009 đến nay, Đảng bộ Trường Đại học Hà Tĩnh luôn luôn đạt “Đảng bộ trong sạch vững mạnh”, nhiều năm liền được Tỉnh ủy, UBND Tỉnh đánh giá là Đảng bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và trao tặng nhiều Bằng khen. 

Trong suốt quá trình làm Hiệu trưởng, NGƯT.GS.TS. Nguyễn Văn Đính đã lãnh đạo đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Bên cạnh việc quan tâm xây dựng bộ máy quản lý tương đối hoàn chỉnh đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý và đào tạo, thầy đặc biệt chú ý đến công tác bồi dưỡng cán bộ, giảng viên, nâng cao trình độ lý luận chính trị và chuyên môn nghiệp vụ. Tỷ lệ giảng viên có trình độ trên đại học khi mới thành lập chỉ 26% thì đến nay đã 72%; nhiều cán bộ, giảng viên được đi học các khóa bồi dưỡng lý luận chính trị Trung và Cao cấp. Hiện nay, Trường có 01 giáo sư, 01 phó giáo sư, 16 tiến sỹ, 24 giảng viên đang làm luận án tiến sỹ, 40 giảng viên đang học thạc sỹ trong và ngoài nước, đội ngũ cán bộ giảng viên tăng cả về số lượng và chất lượng.

Quy mô đào tạo của Trường hiện nay là 5.557 học sinh, sinh viên với 54 mã ngành đào tạo. Chất lượng đào tạo ngày càng được nâng cao, hàng năm,  có nhiều sinh viên đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi của Bộ Giáo dục & Đào tạo, kỳ thi Olimpich Toán, Lý, Hóa của Hội Toán học, Vật lý, Hóa học Việt Nam. Hoạt động nghiên cứu khoa học đã có nhiều khởi sắc và đã đạt được nhiều thành tích, trong 5 năm qua Trường đã thực hiện 7 đề tài cấp Bộ, cấp Tỉnh và hàng trăm đề tài cấp Trường, hàng trăm bài báo khoa học và bài hội thảo khoa học được đăng tải và công bố trong và ngoài nước. Trường đã cho ra đời Tạp chí khoa học có chỉ số ISSN có uy tín, được Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước đưa vào danh mục tính công trình khoa học.

Là người đứng đầu, thầy luôn trăn trở về chất lượng, thương hiệu và hướng đi của nhà trường khi mà yêu cầu chất lượng đào tạo ngày càng cao và sự cạnh tranh ngày càng quyết liệt. Ngoài mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng, thầy đặc biệt quan tâm mở rộng hợp tác quốc tế. Nhà trường đã tích cực gửi giảng viên, sinh viên đi đào tạo nước ngoài, đồng thời mời nhiều chuyên gia, giảng viên, sinh viên của nước ngoài đến làm việc và giảng dạy tại Trường như giảng viên của  Canada, Hàn Quốc, Fulbrigh…. Với những thành tích to lớn đã đạt được, nhiều năm qua Trường Đại học Hà Tĩnh đã được nhiều cơ quan ban ngành của Trung ương, của tỉnh tặng Bằng khen. Kỷ niệm 5 năm thành lập, Trường Đại học Hà Tĩnh đã được Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam trao tặng Huân chương Lao động Hạng Nhất. Thành tích đó có phần đóng góp quan trọng của NGƯT.GS.TS. Nguyễn Văn Đính - người thầy tận tâm và tận tuỵ với ngôi trường đảm nhận nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng và chất lượng cao cho tỉnh nhà.

Là một nhà khoa học, trong Giáo sư Nguyễn Văn Đính luôn luôn là sự đam mê với hoạt động nghiên cứu khoa học và giảng dạy. Mặc dù công tác quản lý chiếm hầu hết thời gian nhưng thầy vẫn giành thời gian không ít cho giảng dạy và nghiên cứu. Thầy đã làm chủ nhiệm 16 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Quốc gia, cấp Bộ, cấp Tỉnh, xuất bản 14 cuốn giáo trình dùng giảng dạy trong các Trường Đại học trong nước, công bố và đăng tải 60 bài báo, bài hội thảo khoa học trên các Tạp chí và các cuộc Hội thảo trong và ngoài nước hướng dẫn hàng chục NCS và học viên cao học bảo vệ thành công luận án tiến dỹ và luận văn thạc sỹ.

Bên cạnh đó, thầy đã tham gia giảng khóa bồi dưỡng cho cán bộ cho các Bộ, các cơ quan, doanh nghiệp và cho sinh viên. Hiện nay, thầy là Ủy viên Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước liên ngành Văn hóa - Nghệ thuật - Thể thao và Du lịch.

Những cống hiến của NGƯT.GS.TS. Nguyễn Văn Đính là sự đóng góp có ý ngĩa cho nền giáo dục của nước nhà nói chung và Hà Tĩnh nói riêng. Ghi nhận sự đóng góp đó, thầy đã được tặng nhiều danh hiệu và phần thưởng cao quý: Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba (năm 2010); Chủ tịch UBND Tỉnh Hà Tĩnh tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong 10 năm hoạt động nghiên cứu ứng dung KH & CN 2004 - 2014 (năm 2014); được bình chọn và trao Giải thưởng “Top 100 nhà quản lý  xuất sắc năm 2014” do Hội đồng gồm Bộ Tư pháp Lào, Bộ Thông tin - Văn hóa và Du lịch Lào, Bộ Ngoại giao Việt Nam, Hội Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa dân tộc Việt Nam, Tạp chí Doanh nghiệp và Thương hiệu bình chọn và nhiều huy chương, kỷ niệm chương cùng các danh hiệu cao quý khác.           

 Với lòng say mê, nhiệt tình, tinh thần trách nhiệm cao trong công việc, với sự lạc quan, yêu đời và với một sức khỏe dẻo dai, phong độ, chắc chắn NGƯT, GS.TS Nguyễn Văn Đính sẽ còn đóng góp được nhiều hơn nữa cho Trường ĐH Hà Tĩnh, cho quê hương Hà Tĩnh thân yêu và cho nền giáo dục nước nhà.

       Nguyễn Hằng

Trường Đại học Hà Tĩnh


    Ý kiến bạn đọc