Nhân hướng tới kỉ niệm 250 năm ngày sinh và 195 năm ngày mất của ông, tuần lễ văn hóa Nguyễn Du, lần dở các trang Kiều, ta càng cảm phục trước ngòi bút tài hoa của tiên sinh; càng đọc, càng ngẫm, càng thấm, càng say. Văn Kiều là một nguồn khám phá vô tận... Cái đặc sắc của truyện Kiều là Nguyễn Du đã hoá hợp được hai khuynh hướng bác học và bình dân để tạo ra một kiệt tác. Thời Nguyễn sơ, người Tàu nói về thi gia nước ta thường khen An Nam ngũ tuyệt, trong năm người đó có Nguyễn Du.
Xin được giới thiệu vài nét bút pháp tài hoa của tiên sinh qua việc vận dụng chất liệu Đường thi vào thể thơ lục bát trong truyện Kiều.
Nói về nỗi nhớ nhung của Kim Trọng và Kiều, khi hai bên đã thề non hẹn biển “Một lời gắn bó tất giao”. Ở cách nhau chỉ một bức tường thôi, một ngày không gặp mặt được nhau, tựa ba thu! Nỗi tương tư đó được Nguyễn Du lấy ý từ bốn câu thơ tứ tuyệt trong bài “Tình sử”
Phiên âm: Quân tại Tương giang đầu,
Thiếp tại Tương giang vĩ.
Tương tư bất tương kiến,
Đồng ẩm tương giang thuỷ.
Dịch nghĩa: Chàng ở đầu sông Tương,
Thiếp ở cuối sông Tương.
Nhớ nhau không thấy mặt nhau,
Cùng uống nước sông Tương.
Bằng hai câu thơ lục bát đã thâu tóm được cả nội dung, tình ý:
“Sông Tương một dải nông sờ,
Bên trông đầu nọ, bên chờ cuối kia
Sau một năm Kim Trọng về hộ tang cha, trở lại vườn xưa, lối cũ tìm Kiều. Cảnh đấy, người đây đâu vắng tả! Mượn ý trong bốn câu thơ tứ tuyệt “Đề Đô Thành Nam trang” của Thôi Hộ
Phiên âm:Tích niên kim nhật thử môn trung
Nhân diện đào hoa tương ánh hồng
Nhân diện bất tri hà xứ khứ?
Đào hoa y cựu tiếu đông phong*.
Dịch nghĩa: Ngày này năm ấy trong cửa này
Hoa đào với mặt người (đẹp) ánh hồng lẫn nhau
Mặt người (đẹp) không biết đã đi đâu?
Hoa đào thì vẫn cười trước gió đông như cũ.
Nguyễn Du đã diễn tả nỗi niềm tâm sự đó cũng chỉ bằng hai câu thơ lục bát mà vẫn giữ được nguyên cái “thần” của bài thơ:
“Trước sau nào thấy bóng người,
Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông.”*
Tiếng đàn khi Kim - Kiều gặp mặt hẹn ước “Nước non luống những lắng tai Chung Kỳ” ý nói hai người tâm đầu, ý hợp (Chung Tử Kỳ, người đời Xuân Thu là người tài nghe nhạc. Một hôm, Bá Nha ngồi gảy đàn bụng nghĩ tiếng đàn cao vút. Thì Tử Kỳ khen: “Tiếng đàn chót vót như núi cao”. Khi Bá Nha đang đánh đàn lại nghĩ xuống dưới sông. Tử Kỳ lại khen: “Tiếng đàn cuồn cuộn như nước chảy”. Sau khi Tử Kỳ chết, Bá Nha bứt dây, đập đàn đi, bảo rằng: “Trong thiên hạ không ai nghe được đàn ta nữa”).
Tiếng đàn Kiều gảy cho Kim Trọng nghe được Nguyễn Du thể hiện qua cách nhìn của Nhạc kí một cách thanh thoát, biến hóa từ bài “Cầm” trong Đường thi:
Phiên âm:Sơ nghi táp táp lương phong động,
Hựu tự tiêu tiêu mộ vũ linh;
Cận nhược lưu truyền lai bích chướng,
Viễn như huyền hạc hạ thanh minh.
Dịch nghĩa:Ban đầu nghe nhè nhẹ như gió mát thoáng qua,
Sau nhanh tựa tiếng gió thổi trong cơn mưa chiều;
Gần như tiếng suối chảy bên vách núi,
Xa như tiếng hạc nơi sâu lắng.
Bằng bốn câu thơ lục bát, theo thể đảo câu đã diễn tả tiếng đàn một cách sống động, trầm bổng, vời vợi, cao xa, vượt lên cả nguyên tác:
“Trong như tiếng hạc bay qua,
Đục như nước suối mới sa nửa vời;
Tiếng khoan như gió thoảng ngoài,
Tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa.”
Tiếng đàn khi Kim - Kiều tái hợp sau hơn 15 năm xa cách, lưu lạc:
“Phím đàn dìu dặt tay tiên,
Khói trầm cao thấp, tiếng huyền gần xa”
Cũng được Nguyễn Du dịch từ bốn câu thơ trong bài Đường thi sau:
Phiên âm:Trang Sinh hiển mộng mê hồ điệp,
Thục đế xuân tâm hóa đỗ quyên;
Thương hải nguyệt minh châu hữu lệ,
Lam - điền trú noãn ngọc sinh yên.
Dịch nghĩa:Trang Sinh nằm mơ thấy mình hóa ra bướm bướm,
Lòng xuân Thục đế hóa thành chim đỗ quyên;
Trăng sáng soi biển xanh ngọc ngấn lệ,
Lam - điền nơi gieo hạt ngọc được hình thành.
Bốn câu thơ Đường trên được Nguyễn Du dịch thành sáu câu thơ lục bát, trong đó có thêm hai câu sáu để toát lên khúc đàn đầm ấm, êm ái; diễn tả được thần thái của tiếng đàn sau bao nhiêu năm thăng trầm, nếm trải, nay lại được đoàn viên “khổ tận, cam lai” (hết khổ, đến vui):
“Khúc đầu đầm ấm dương hòa!
Ấy là hồ điệp hay là Trang Sinh (1) ?
Khúc đầu êm ái xuân tình!
Ấy hồn Thục đế hay mình đỗ quyên (2)?
Trong sao châu đỏ duềnh quyên (3)!
Ấm sao hạt ngọc Lam - điền mới đồng (4)!”
Qua các dẫn liệu trên, ta thấy Nguyễn Du đã có sự kết hợp hài hòa hai khuynh hướng học Hán và dồi Nôm. Ngôn ngữ thanh nhã, hàm súc, bóng bẩy, còn rất êm đềm lưu loát. Nhờ nhạc tính của chữ, tiết tấu của câu, âm hưởng của vần, lại thêm tình ý phụ họa vào, làm cho âm điệu bản dịch du dương, réo rắt, không những giữ được cái “thần” của tác phẩm mà còn có sức sáng tạo, linh hoạt tự nhiên, thành tuyệt phẩm văn chương đi vào lòng người như những câu ca dao vậy.
Bùi Chí Thành
Chú giải:
(1): Hồ điệp: là con bươm bướm. Trang Chu ngày xưa nằm mơ thấy hóa ra bươm bướm.
(2): Tục truyền rằng, Thục - đế ngày xưa mất nước, chết hóa thành con quốc (chim đỗ quyên), đêm ngày sầu oán, kêu mãi không thôi.
(3): Duềnh: là hồ nước; quyên: là mặt trăng; duềnh quyên: là hồ nước có mặt trăng soi vào.
(4): Lam - điền: nơi gieo hạt thành ngọc; mới đông: tức ngọc mới thành.
* Hiểu đúng nghĩa từ “Đông phong” trong câu thơ “Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông”: Nguyên văn bài thơ chữ Hán trong Đường thi giám thưởng từ điển, Thượng Hải từ thư xuất bản xã 2001 viết là "Đào hoa y cựu tiếu xuân phong" (Hoa đào năm ngoái vẫn còn như xưa cười với gió xuân). Xét từ "Đông phong" (Chữ đông là chỉ phương đông chứ không phải mùa đông) theo ý nghĩa từ nguyên là chỉ “Gió xuân”. Người đọc thơ Kiều "Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông" hiểu đúng nghĩa "Gió đông" - Là gió từ phương đông thổi tới, nghĩa là "Gió xuân" (Vì Thúy Kiều và Kim Trọng gặp nhau trong tiết thanh minh, tháng 3 âm lịch đang là mùa xuân). Lần giở câu chuyện nguyên mẫu bài thơ trữ tình“Đề Đô Thành Nam trang” của nhà thơ Thôi Hộ (Theo Đường Mạnh Khải, Bản sự thi Tình cảm) rằng: Chàng Thôi Hộ đi thi Tiến sĩ bị trượt, trong tiết thanh minh một mình đi chơi ở Đô Thành Nam trang, tình cờ gặp người thiếu nữ xinh đẹp duyên dáng đứng tựa bên cành hoa đào ...", thì "Đông phong" phải được hiểu là gió xuân vậy.
(TCTTTT số 31)
Tin mới cập nhật
- Cách mạng Tháng Tám mang tầm vóc thời đại ( 04/09)
- Sức lan tỏa từ các phong trào thi đua yêu nước trong toàn tỉnh ( 04/09)
- Đảng bộ Hà Tĩnh trong Cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh ( 04/09)
- Hà Tĩnh hoàn thành Đại hội Đảng bộ cấp trên cơ sở nhiệm kỳ 2015 - 2020 ( 04/09)
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII ( 04/09)
- Ngành Giáo dục & Đào tạo: Sẵn sàng cho năm học mới 2015 - 2016 ( 04/09)