Hiệu quả từ công tác xã hội hóa và chuyển đổi mô hình quản lý chợ trên địa bàn Hà Tĩnh
EmailPrintAa
10:07 05/02/2016

Từ thực tiễn để ra chính sách sát đúng
 
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh tham quan, chia sẽ niềm vui với các tiểu thương chợ thị xã Kỳ Anh. Ảnh: N.T  

Trước năm 2013, hầu hết các chợ trên địa bàn tỉnh được quản lý bởi các ban, tổ do Nhà nước thành lập hoặc giao thầu cho cá nhân.Các địa phương hầu như không chú trọng đến việc đầu tư, nâng cấp, cải tạo và tổ chức quản lý chợ đảm bảo đúng quy định, đúng tiêu chuẩn (chỉ có 2 chợ đạt tiêu chí nông thôn mới). Toàn tỉnh không có chợ nào do doanh nghiệp/hợp tác xã (DN/HTX) đầu tư và quản lý. Hạ tầng các chợ xuống cấp nghiêm trọng, ngành hàng không thể bố trí hợp lý; hệ thống phòng cháy chữa cháy hư hỏng, hệ thống mái che, thoát nước, đường điện, vệ sinh kém… gây nguy cơ cháy nổ, ô nhiễm môi trường, mất an toàn vệ sinh thực phẩm, ảnh hưởng lớn đến hoạt động giao thương.

Nhằm khắc phục các hạn chế tồn tại trong hoạt động thương mại nông thôn và nâng cao đời sống của dân cư ở địa bàn nông thôn, góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới, Sở Công Thương đã xây dựng, tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 53/2013/NQ-HĐND, ngày 13/7/2013 về phát triển thương mại nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới đến năm 2020.

Trên cơ sở Nghị quyết, UBND tỉnh đã ban hành quyết định số 37/2013/QĐ-UBND quy định chính sách hỗ trợ phát triển thương mại nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh; Quyết định 24/2014/QĐ-UBND quy định về quy trình chuyển đổi mô hình quản lý chợ trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh; Quyết định 2434/QĐ-UBND của UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh khai thác chợ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2014 - 2016 nhằm khuyến khích các DN/HTX đầu tư xây dựng chợ và chuyển đổi mô hình quản lý chợ trên địa bàn toàn tỉnh.

Sau hơn 2 năm triển khai, toàn tỉnh đã có 47 xã đạt tiêu chí chợ nông thôn (năm 2013 chỉ có 2 xã); xây dựng mới và đưa vào sử dụng 12 chợ với tổng kinh phí đầu tư đạt 348,919 tỷ đồng, trong đó vốn xã hội hóa đạt 266,499 tỷ đồng (chiếm 76,38%); cải tạo, nâng cấp 25 chợ với tổng kinh phí đạt 37,182 tỷ đồng. Tổng nguồn vốn đầu tư xã hội hoá (gồm cả vốn nâng cấp, cải tạo sau chuyển đổi và đầu tư mới theo hình thức xã hội hoá) ước đạt trên 1.000 tỷ đồng, trong khi tỉnh chỉ hỗ trợ chính sách khoảng 126,643 tỷ đồng (hỗ trợ xây dựng mới và cải tạo nâng cấp 26 chợ chuyển đổi với số tiền 125,708 tỷ đồng, trong đó 114,981 tỷ đồng cho chợ xã hội hóa; 935,7 triệu đồng hỗ trợ đào tạo, tập huấn nghiệp vụ quản lý chợ cho 475 học viên thuộc ban quản lý chợ). Từ chỗ hầu như không có DN/HTX quan tâm đầu tư chợ theo hình thức xã hội hoá, đến nay trên địa bàn tỉnh đã có hơn 70 DN/HTX tham gia vào lĩnh vực này. Theo kế hoạch, đến hết năm 2016, toàn tỉnh chuyển đổi xong 128 chợ, cơ bản hoàn thành công tác chuyển đổi mô hình quản lý chợ từ Ban quản lý sang DN/HTX quản lý, đưa công tác quản lý chợ đi vào quy củ, nề nếp.

Kết quả triển khai trong thời gian qua đã khẳng định hướng đi đúng của tỉnh. Hiệu quả rõ rệt của công tác xã hội hóa đầu tư và chuyển đổi mô hình quản lý chợ được thể hiện rõ: Hạ tầng thương mại nông thôn, hạ tầng chợ đáp ứng tốt các điều kiện giao thương, phục vụ nhu cầu của nhân dân, nhiều chợ đạt tiêu chí nông thôn mới, nhưng Nhà nước không phải chi ngân sách mà chỉ hỗ trợ chính sách. Sau khi chuyển đổi, thu ngân sách từ các chợ tăng cao (với 52 chợ đã chuyển đổi, tổng thu ngân sách tăng hàng năm 1.196 triệu đồng/năm so với trước đây), quản lý chợ bài bản, đúng quy định; việc bố trí nhóm hàng, ngành hàng khoa học; công tác an toàn cháy nổ, an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường được đảm bảo; quản lý hàng hóa, quản lý hộ kinh doanh, đăng ký kinh doanh, niêm yết giá, bán theo giá niêm yết, kiểm tra hoá đơn chứng từ dần đi vào nề nếp. Người kinh doanh có được nơi kinh doanh tốt, thu hút được nhiều khách hàng, có điều kiện mở rộng kinh doanh, nâng cao thu nhập, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Người tiêu dùng có địa điểm mua sắm thuận tiện, hàng hóa đảm bảo chất lượng.

Những điều còn trăn trở…

Mặc dù công tác xã hội hóa đầu tư và chuyển đổi mô hình chợ trong những năm qua đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ, song vẫn còn một số hạn chế như:

 Chuyển đổi mô hình quản lý chợ là nhiệm vụ mới nên khi triển khai còn nhiều lúng túng. Cán bộ, công chức và các cá nhân tham gia vào quá trình chuyển đổi còn thiếu kinh nghiệm. Một số địa phương chưa nhận thức đầy đủ về trách nhiệm, ý nghĩa và vai trò của chuyển đổi mô hình quản lý chợ. Khi tiến hành chuyển đổi, vẫn còn một số ban quản lý chợ hoặc cá nhân được giao thầu, một số tiểu thương ngấm ngầm phản đối, cản trở nhưng chưa có giải pháp kịp thời.

 Qua kiểm tra cho thấy, một số UBND cấp huyện chưa chú trọng vào nội dung nâng cấp, cải tạo chợ trong Phương án chuyển đổi chợ. Sau khi chuyển đổi, chưa quyết liệt yêu cầu các DN/HTX thực hiện cải tạo, nâng cấp theo Phương án đã duyệt.

 Đối với xã hội hóa đầu tư chợ, hầu hết các địa phương chưa làm tốt, thiếu chủ động, chưa kiên trì công tác tuyên truyền, vận động các tiểu thương hiểu và ủng hộ, đồng thuận. Việc kêu gọi DN/HTX gặp nhiều khó khăn do chưa có nhiều DN/HTX có kinh nghiệm trong đầu tư xây dựng, kinh doanh chợ theo hình thức xã hội hoá.

 

 

Và những việc cần làm ngay

Để tiếp tục triển khai thực hiện tốt công tác xã hội hóa và chuyển đổi mô hình quản lý chợ trên địa bàn, thời gian tối, chúng ta cần:

Tiếp tục đẩy mạnh và thực hiện thường xuyên công tác tuyên truyền, phổ biến Nghị quyết 53/2013/NQ-HĐND và các chính sách liên quan đến phát triển thương mại của tỉnh để các DN/HTX nắm rõ quyền lợi của DN/HTX khi đầu tư vào lĩnh vực thương mại và tranh thủ cơ hội đầu tư khi các chính sách còn có hiệu lực. Tập trung tuyên truyền, vận động cán bộ, người dân, tiểu thương ủng hộ chủ trương xã hội hoá đầu tư chợ để tạo niềm tin cho DN/HTX.

Tăng cường công tác xúc tiến, kêu gọi các nhà đầu tư trong, ngoài tỉnh tham gia đầu tư các chợ trên địa bàn theo hình thức xã hội hoá hoặc lựa chọn DN/HTX có kinh nghiệm để giao thầu quản lý khi chuyển đổi; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN/HTX trong quá trình thực hiện đầu tư tại địa bàn. Chú trọng đào tạo cán bộ quản lý chợ, đặc biệt là các chợ mới chuyển đổi để đảm bảo việc quản lý bài bản, chuyên nghiệp, đúng quy định.

Nâng cao trách nhiệm của Ban chuyển đổi mô hình quản lý cấp huyện để thực hiện chuyển đổi chợ đúng lộ trình, đúng quy định và đảm bảo hiệu quả; chú trọng yêu cầu DN/HTX triển khai đầu tư, nâng cấp, cải tạo chợ sau chuyển đổi theo đúng Phương án chuyển đổi chợ đã được phê duyệt. Hỗ trợ DN/HTX hoàn thiện hồ sơ kịp thời để được hưởng các chính sách của tỉnh.

Kết quả trong thời gian qua chỉ là bước đầu góp phần phát triển thương mại nông thôn. Để Nghị quyết 53/2013/NQ-HĐND của HĐND tỉnh phát huy được hiệu quả, đi vào cuộc sống, cần có sự vào cuộc liên tục, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và cộng đồng DN/HTX. Sở Công Thương đề nghị các ngành, địa phương tiếp tục ủng hộ, phối hợp chặt chẽ, kịp thời và quyết liệt triển khai để hoàn thành các mục tiêu đã đề ra.

Trần Nhật Tân - TUV, Giám đốc Sở Công thương


    Ý kiến bạn đọc