“Thi hành đúng luật là cách tuyên truyền hiệu quả nhất”
EmailPrintAa
08:27 31/12/2013

Để Hiến pháp đi vào cuộc sống, việc cán bộ Nhà nước thi hành phải đúng luật là cách tuyên truyền luật hiệu quả nhất…

Ngay từ khi được đưa ra lấy ý kiến nhân dân, dự thảo Hiến pháp sửa đổi nhận được sự quan tâm của đa số người dân. Mới đây, Hiến pháp đã được Quốc hội khóa XIII thông qua với đa số phiếu đồng tình.

Luật sư Lê Đức Tiết, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Pháp luật-Dân chủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết, cũng như nhiều người dân Việt Nam, ông rất phấn khởi và đặc biệt quan tâm đến nhiều điểm mới trong Hiến pháp.
Luật sư Lê Đức Tiết cho rằng, Hiến pháp có nhiều điểm mới so với Hiến pháp năm 1992. Điểm mới mà ông quan tâm nhất là việc Đảng phải chịu trách nhiệm trước nhân dân. Hiến pháp 1992 chỉ nói vị vị trí lãnh đạo của Đảng đối với cách mạng, chưa nói đến điều này, lần này Điều 4 đã nói đến.

Điểm mới thứ 2 là về quyền con người. Hiến pháp đã nhấn mạnh đến quyền con người bằng cách đưa chương về quyền con người lên ở vị trí chương II. Các nội dung liên quan đến quyền con người, quyền công dân cũng được quy định khá ngắn gọn, dễ thi hành.

Luật sư Lê Đức Tiết ví von một cách hình ảnh rằng, Hiến pháp như một gốc rễ của một cái cây. Các luật là thân cây, còn văn bản dưới luật là cành lá. Hiến pháp và các Luật, văn bản dưới luật luôn có mối quan hệ chặt chẽ, gốc cây phải chắc chắn thì thân cây, cành lá mới mập mạp. Còn thân cây mập mạp làm cho cành lá sum suê, tốt tươi. Cành lá tốt tươi sẽ quang hợp được nhiều ánh nắng mặt trời để nuôi thân và gốc rễ, từ đó mới sản sinh hoa tươi quả ngọt.

Có thể nói, Hiến pháp là đạo luật gốc, văn bản pháp luật có hiệu lực cao nhất trong hệ thống pháp luật quốc gia, là căn cứ của các đạo luật và văn bản dưới luật.

Thi hành đúng luật là cách tuyên truyền hiệu quả nhất

Theo Luật sư Lê Đức Tiết, Hiến pháp đã được Quốc hội thông qua và nhận được sự ủng hộ của đa số người dân. Điều quan trọng nhất hiện nay là phải làm thế nào để Hiến pháp được thực thi hiệu quả trong cuộc sống.

Tại Khoản 2 và 3, Điều 4 Hiến pháp quy định: “Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình; Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”.

Luật sư Lê Đức Tiết cho rằng, đây là một điểm rất mới so với Hiến pháp 1992. Điều này cho thấy Đảng và nhân dân có quan hệ mật thiết, Đảng chịu trách nhiệm trước nhân dân về quyết định của mình.

Điều tôi quan tâm là phải có cơ chế nào để nhân dân giám sát Đảng và Đảng viên. Để làm được điều này, cần phải có những quy định của pháp luật làm căn cứ pháp lý để dân có các tiêu chí để đánh giá Đảng bộ và đảnh viên. Cùng với đó, việc dân tham gia xây dựng Đảng thì cũng phải làm rõ là tham gia bằng cách nào…”- Luật sư Tiết chia sẻ.

Tại Điều 9 Hiến pháp mới quy định: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng…”.

Theo Luật sư Lê Đức Tiết, quy định này so với Hiến pháp 1992 cũng không có gì mới. Những quy định này trong Hiến pháp đã khẳng định được vai trò, nhiệm vụ của Mặt trận. Trong thời gian qua, Mặt trận ngày càng có nhiều hoạt động khẳng định vai trò của mình. Nhưng thực tế, hoạt động của Mặt trận còn hạn chế bởi chưa có những quy định rõ ràng. Vì thế, để Mặt trận phát huy được vai trò của mình, đặc biệt là việc giám sát, phản biện xã hội cần phải có những quy chế pháp lý rõ ràng. Điều này phải được quy định trong Luật Mặt trận một cách cụ thể để Mặt trận thực hiện được vai trò giám sát, phản biện của mình. 

Theo Luật sư Lê Đức Tiết, để Hiến pháp đi vào cuộc sống, Quốc hội nhiệm kỳ này và rất nhiều nhiệm kỳ sau nữa cần phải cụ thể hóa Hiến pháp. Chính phủ phải ủng hộ các Nghị định dưới luật để thi hành luật, Quốc hội phải sửa đổi luật pháp, các Bộ phải sửa đổi cách làm văn bản dưới luật thì Hiến pháp mới đi vào cuộc sống.

Luật có sức hấp dẫn nhất là phù hợp với nguyện vọng của nhân dân, phù hợp với cuộc sống. Cùng với đó, cán bộ nhà nước thi hành phải đúng luật là cách tuyên truyền luật hiệu quả nhất”- Luật sư Lê Đức Tiết nhấn mạnh./.


    Ý kiến bạn đọc