Trong ngày làm việc cuối của Phiên họp thứ 17 (ngày 17-4), dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trên cơ sở kết quả tổng hợp lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật có tầm quan trọng đặc biệt này.
Tổ chức lấy ý kiến nhân dân rất kỹ và thận trọng
Theo Báo cáo của Chính phủ, qua tổng hợp báo cáo ý kiến góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) của các bộ, ngành, cơ quan, địa phương, các tổ chức và cá nhân, đến nay có 6.958.848 lượt ý kiến góp ý của tổ chức, cá nhân. Những nội dung nhận được nhiều ý kiến góp ý hơn cả là: Thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (1.991.176 lượt); giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất (1.407.554 lượt); tài chính đất đai và giá đất: (743.309 lượt); quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất (738.879 lượt)…
Cơ quan soạn thảo đã nghiên cứu tiếp thu hoàn thiện. Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sau khi tiếp thu, chỉnh lý theo ý kiến nhân dân có 14 chương, 208 điều.
Trong buổi thảo luận, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá, công tác tổ chức lấy ý kiến của nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã được làm rất kỹ và thận trọng.
Đa số ý kiến góp ý về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tán thành với việc tiếp tục quy định chế độ sở hữu toàn dân đối với đất đai. Có ý kiến đề nghị Chương II cần thiết kế lại và đổi tên thành chương chủ sở hữu về đất đai và nhiệm vụ của đại diện chủ sở hữu nhằm khẳng định đúng vị trí pháp lý của Nhà nước trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý đất đai theo sự ủy nhiệm của toàn dân.
Tiếp thu những ý kiến trên, trong Dự kiến tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị chỉnh sửa lại tên Chương II trong dự thảo thành “Quyền và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với đất đai.”
Làm rõ mục đích thu hồi đất
Một số ý kiến đề nghị quy định rõ các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, trong đó bao gồm cả các dự án phát triển kinh tế, xã hội quan trọng và bồi thường thỏa đáng cho người có đất khi Nhà nước thu hồi; những dự án phát triển kinh tế, xã hội khác phải thỏa thuận với người dân.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang cho biết: Trong Dự thảo được trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần này, về ý kiến đề nghị Nhà nước không thực hiện thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội, cơ quan soạn thảo đã tiếp thu và chỉnh lý vào dự thảo Luật theo hướng rà soát để chuyển các dự án phát triển kinh tế - xã hội mà trong đó có lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng vào nhóm các dự án được Nhà nước thu hồi vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng. Tuy nhiên, qua thẩm tra, Ủy ban Kinh tế đề nghị “bảo lưu” quy định của dự thảo về trường hợp thu hồi đất phục vụ các dự án kinh tế - xã hội. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu, việc thu hồi đất để thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội như: Các dự án, công trình quan trọng quốc gia do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư; các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, các dự án, công trình quan trọng do Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư; các dự án xây dựng khu đô thị mới, khu dân cư nông thôn mới… thì Nhà nước phải thực hiện.
“Khi thu hồi đất để tạo quỹ đất sạch và thực hiện giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua hình thức đấu giá, Nhà nước sẽ điều tiết được phần giá trị tăng thêm từ đất không phải do người sử dụng đất tạo ra, tạo nguồn thu để thực hiện bồi thường, hỗ trợ cho người sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất; bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, của người sử dụng đất và của nhà đầu tư. Việc quy định cụ thể các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội là thể chế hóa đúng tinh thần của Nghị quyết số 19-NQ/TW Hội nghị Trung ương 6 về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai” - ông Nguyễn Văn Giàu lý giải.
Cho ý kiến về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng, nên bỏ quy định Nhà nước thực hiện thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Phan Trung Lý, nói như vậy không có nghĩa là không thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội, nếu vì mục đích phát triển chung thì vẫn cần phải thu hồi, nhưng vì mục đích lợi nhuận thì phải theo cơ chế khác. "Ở đây, vấn đề là cần phân loại”.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng chỉ rõ: Trong Nghị quyết số 19-NQ/TW Hội nghị Trung ương 6 và Dự thảo Luật Đất đai cũ có đưa ra quy định thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Nếu bỏ quy định này thì loại dự án nào sẽ để sử dụng vào mục đích quốc phòng - an ninh, loại nào sử dụng vào lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng? Loại dự án nào không để trong diện Nhà nước thu hồi ... ?
Theo Chủ tịch Quốc hội, nếu không làm rõ được vấn đề này thì việc triển khai thi hành Luật sẽ không khả thi, vì trên thực tế, thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội là công việc rất quan trọng cần được giao đất.
Từ đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề xuất, việc thu hồi đất cần làm rõ 3 nội dung: Loại đất nào, để làm gì thì Nhà nước thu hồi? Loại đất nào, để làm gì thì không thu hồi mà trưng thu, trưng mua? Loại thứ 3 là Nhà nước không thu hồi nhưng cũng không trưng thu, trưng mua? Chủ tịch Quốc hội lưu ý: Nếu không làm rõ thì việc thu hồi đất mà dân đang sử dụng sẽ rất khó khăn, phức tạp.
Điều chỉnh quy định thu hồi đất
Về ý kiến đề nghị Nhà nước không thực hiện thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế, xã hội, cơ quan soạn thảo tiếp thu và chỉnh lý vào dự thảo Luật theo hướng rà soát để chuyển các dự án phát triển kinh tế, xã hội mà trong đó có lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng vào nhóm các dự án được Nhà nước thu hồi vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng.
Bên cạnh đó, để kiểm soát chặt chẽ việc thu hồi đất, các dự án này cần phải được Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư, HĐND cấp tỉnh thông qua.
Cụ thể, dự thảo quy định việc thu hồi đất để thực hiện các dự án, công trình quan trọng quốc gia phải do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư; thu hồi đất để xây các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, các dự án, công trình quan trọng do Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư.
Đối với việc thu hồi đất thực hiện các dự án xây dựng khu đô thị mới, khu dân cư nông thôn mới, xây dựng các công trình để chỉnh trang đô thị, chỉnh trang khu dân cư nông thôn, cụm công nghiệp dự thảo yêu cầu phải được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua; đối với các dự án tái định cư, nhà ở cho sinh viên, nhà ở xã hội, nhà ở công vụ, các dự án đầu tư bằng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) thì Nhà nước phải thực hiện. Còn những dự án phát triển kinh tế, xã hội khác thì nhà đầu tư phải thỏa thuận giá đất với người dân.
Một điểm mới đáng chú ý trong dự thảo này là quy định Nhà nước thu hồi đất để tạo quỹ đất sạch và thực hiện giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua hình thức đấu giá. Uỷ ban Kinh tế Quốc hội cho rằng, quy định này sẽ giúp Nhà nước điều tiết được phần giá trị tăng thêm từ đất không phải do người sử dụng đất tạo ra, tạo nguồn thu để thực hiện bồi thường, hỗ trợ cho người sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, của người sử dụng đất và của nhà đầu tư.
Vấn đề bồi thường, hỗ trợ, tái định cư
Ghi nhận những kiến nghị việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất phải đảm bảo dân chủ, công khai, khách quan, công bằng, kịp thời và đúng pháp luật, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề xuất dự thảo xây dựng theo hướng phân biệt rõ khái niệm bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Bồi thường là bù đắp những thiệt hại cho người có đất khi Nhà nước thu hồi do việc thu hồi đất gây ra như thiếu đất sản xuất, nhà ở, sản xuất bị gián đoạn, lợi nhuận bị giảm sút, cuộc sống, sinh hoạt bị ảnh hưởng…
Việc bồi thường có thể bằng đất, bằng tiền. Hỗ trợ không phải là để bù đắp phần bồi thường chưa thỏa đáng mà phải xác định là để người có đất khi Nhà nước thu hồi có cuộc sống tốt hơn, phát triển sản xuất bền vững. Tái định cư được thực hiện theo nguyên tắc bảo đảm khi thu hồi đất có nhà ở thì phải tái định cư cho người có đất khi Nhà nước thu hồi. Nếu tiền bồi thường không đủ mua suất tái định cư tối thiểu sẽ được Nhà nước hỗ trợ đủ để mua suất tái định cư tối thiểu.
Cho rằng dự thảo Luật chưa giải quyết một cách thấu đáo những vấn đề bức xúc hiện nay liên quan đến lĩnh vực đất đai, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định quyền và nghĩa vụ của Nhà nước và quyền của người sử dụng đất gắn với việc định đoạt đất đai.
Trong công tác bồi thường, tái định cư, thu hồi đất phải đi liền với hỗ trợ, chuyển đổi nghề nghiệp sao cho phù hợp với thực tế vì hiện có rất nhiều nơi mở trường dạy nghề nhưng không có người theo học, ông Hiển nói.
Và những vấn đề khác…
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Ban soạn thảo làm rõ hơn nữa một số vấn đề liên quan đến chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số; quy định chặt chẽ hơn quyền và lợi ích cũng như nghĩa vụ của chủ sở hữu về đất đai; vai trò đại diện chủ sở hữu và quản lý về đất đai của Nhà nước; quy định cụ thể quyền sử dụng đất.
Cho rằng tồn tại lớn trong lĩnh vực liên quan đến đất đai là khâu quản lý nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý đề nghị dự thảo Luật cần thể hiện rõ quyền của toàn dân với vai trò chủ sở hữu về đất đai.
Đối với các trường hợp chậm đưa đất vào sử dụng, ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất cho rằng cần xử lý theo hướng đánh thuế lũy tiến đối với các dự án thuộc diện này.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển nêu quan điểm, cần quy định xử lý đánh thuế lũy tiến một thời gian nhất định, nếu tiếp tục chậm đưa đất vào sử dụng cần quy định phải có biện pháp thu hồi giao cho các doanh nghiệp khác.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho rằng cần phải quy định công chứng, chứng thực các hợp đồng, văn bản thực hiện các quyền của người sử dụng đất. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện lập luận, trong bối cảnh trên 70% khiếu kiện của người dân liên quan đến đất đai, trong đó nổi lên các khiếu kiện về các hợp đồng giao dịch viết tay không có công chứng, chứng thực. Việc công chứng, chứng thực vừa thể hiện sự tự nguyện trong giao dịch giữa các bên, vừa thể hiện việc chứng thực của cơ quan quản lý đối với các giao dịch hợp pháp, làm cơ sở khi giải quyết các tranh chấp, khiếu kiện.
Về thẩm quyền giải quyết các tranh chấp đất đai, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, tranh chấp đất đai mà một trong các bên tranh chấp chưa có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất thì cơ quan hành chính giải quyết, các trường hợp còn lại thì tòa án giải quyết như quy định của dự thảo Luật.
Phát biểu bế mạc Phiên họp thứ 17, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng hoan nghênh cử tri cả nước đã tích cực đóng góp vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: Đất đai là nguồn tài nguyên quý giá, không tái tạo. Đây là vấn đề rất hệ trọng, vì vậy, khi sửa đổi Luật cần chú ý tới tính khả thi, hạn chế tất cả các tiêu cực phát sinh trong quá trình thực hiện, ảnh hưởng đến người dân.../.
Tin mới cập nhật
- Thủ tướng: Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số không có giới hạn, biên giới, không phân biệt tuổi tác, giới tính, tôn giáo ( 25/04)
- Thủ tướng: Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số không có giới hạn, biên giới, không phân biệt tuổi tác, giới tính, tôn giáo ( 25/04)
- Thủ tướng: Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số không có giới hạn, biên giới, không phân biệt tuổi tác, giới tính, tôn giáo ( 25/04)
- Chủ tịch nước Lương Cường: Chiến thắng lịch sử 30-4 có đóng góp to lớn của ngoại giao Việt Nam ( 24/04)
- Quốc hội và Chính phủ đồng hành để hoàn thành trọng trách lịch sử ( 24/04)
- Tiếp tục đàm phán thúc đẩy quan hệ thương mại cân bằng, bền vững, hiệu quả với Hoa Kỳ ( 22/04)