|
|
Đón nhận Bằng xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia đối với Di tích Lũy đá cổ Kỳ Lạc |
|
Lũy đá cổ Kỳ Anh được các nhà khảo cổ và bảo tàng phát hiện vào năm 1993, đây là một trong những di tích thành lũy quan trọng ở Bắc Trung bộ được Viện khảo cổ Việt Nam và Viện Viễn Đông bác cổ Pháp tiến hành khảo cổ. Quá trình khảo cổ xác định đây là di tích lũy đá cổ, điểm bắt đầu của lũy là chân dốc Đèo Bụt, kéo dài khoảng 01 km theo sườn núi Trầm Hương ở dãy Hoành Sơn thuộc xã Kỳ Lạc. Lũy đá hiện nay còn gần 500m quay về hướng nam, nơi cao nhất là 6m ở bề mặt phía nam, phía bắc cao nhất là 3m, mặt thành rộng 3m, chân thành rộng 5m. Điều đặc biệt, Lũy không có móng nhân tạo mà chỉ dựa vào nền đất tự nhiên để xây dựng bằng đá tự nhiên của địa phương với kỹ thuật ghép công phu và điêu luyện, không sử dụng chất kết dính - điều chưa tìm thấy trong quá trình khảo cổ trước đây. Ở độ dốc lớn, khí hậu khắc nghiệt, bão lũ thường xảy ra nhưng Lũy đá vẫn tồn tại hàng thế kỷ mà không bị phá hủy. Qua quá trình nghiên cứu bước đầu các nhà khảo cổ nhận định Lũy đá cổ Kỳ Anh được xây dựng và tu bổ thêm vào thời kỳ chiến tranh Trịnh - Nguyễn, do nhà Trịnh ở đàng ngoài xây dựng làm phòng tuyến quân sự đề phòng quân Nguyễn từ đàng trong đánh ra.
|
|
Lũy đá cổ Kỳ Lạc |
|
Lũy đá cổ Kỳ Anh đã để lại dấu ấn trong tiến trình lịch sử đất nước, là một bộ phận trong nền kiến trúc cổ và khảo cổ học Việt Nam còn tồn tại nguyên vẹn cho đến ngày nay có giá trị lớn về lịch sử, văn hóa, khoa học cần được đầu tư nghiên cứu và bảo tồn. Đây cũng là giá trị nổi bật của Di tích Lũy đá cổ Kỳ Anh mà chúng ta cần bảo vệ để phục vụ cho công tác nghiên cứu khảo cổ, kiến trúc và phục vụ cho công tác du lịch trong thời kỳ hội nhập. Lũy đá cổ Kỳ Anh được xếp hạng di tích cấp Quốc gia là niềm vinh dự cho người dân xã Kỳ Lạc nói riêng và huyện Kỳ Anh nói chung.
Phát biểu tại lễ đón nhận, đồng chí Nguyễn Trí Sơn, Giám đốc Bảo tàng tỉnh đề nghị cấp ủy, chính quyền xã Kỳ Lạc tăng cường công tác tuyên truyền về giá trị lịch sử, văn hóa của di tích để nhân dân hiểu và đồng hành cùng với các ngành chức năng làm tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị của công trình kiến trúc khảo cổ. Đồng thời, khẩn trương xây dựng quy hoạch tổng thể, hiện trạng Khu di tích để bảo vệ, tôn tạo cảnh quan cũng như tạo điều kiện khai thác và phát huy có hiệu quả giá trị lịch sử, văn hóa của di tích.
Trần Mạnh Hải (Đài TT-TH huyện Kỳ Anh)
Tin mới cập nhật
- Thống nhất trình Quốc hội việc miễn học phí từ năm học 2025-2026 ( 26/04)
- Bảo đảm tiến độ xây dựng báo cáo nghiên cứu khả thi Chương trình MTQG về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 ( 04/04)
- Phát huy tinh thần học tập suốt đời, lan tỏa mạnh mẽ khí thế phong trào “Bình dân học vụ số” ( 27/03)
- Thành phố Hà Tĩnh tập trung thực hiện Phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát ( 24/03)
- Tổ chức trưng bày chuyên đề “Bãi Cọi - nơi gặp gỡ các nền văn hóa” ( 18/03)
- Quyết tâm cao, nỗ lực lớn để hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025 ( 11/03)