Đẩy mạnh phong trào thi đua “dân vận khéo” là động lực để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị
EmailPrintAa
17:16 04/10/2012

Trong bài báo Dân vận ra ngày 15/10/1949, Bác Hồ khẳng định“Dân vận kém thì việc cũng kém, dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”.

 

Thực hiện tưởng dân vận của Bác, đồng thời để đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác dân vận của  Đảng,  đầu năm  2008, Ban Dân vận Trung ương phát động phong trào thi đua “Dân vận khéo” (DVK) trong toàn quốc. Hưởng ứng phong trào đó, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Hà Tĩnh đã ban hành Chỉ thị 32-CT/TU, ngày 18/9/2008 về đẩy mạnh phong trào thi đua DVK. Từ đó đến nay, phong trào đã có bước phát triển tương đối toàn diện ở các địa phương, đơn vị và trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Qua 4 năm phát động và hai lần tổ chức hội nghị biểu dương các điển hình DVK, toàn tỉnh đã xây dựng và nhân rộng được hơn 1950 mô hình trên tất cả các lĩnh vực. Trong đó năm 2008 đã lựa chọn 66 hình tiêu biểu và năm 2011 đã lựa chọn 80 mô hình tiêu biểu tham dự Hội nghị tuyên dương cấp tỉnh, có 3 tập thể và 2 cá nhân vinh dự được tham gia Hội nghị biểu dương điển hình DVK toàn quốc. Đến nay, toàn tỉnh hơn 845 mô hình DVK trên lĩnh vực kinh tế đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội thiết thực, tiêu biểu như: mô hình vận động nhân dân di dân tái định cư, giải phóng mặt bằng ở xã Kỳ Liên, huyện Kỳ Anh; mô hình chăn nuôi lợn siêu nạc ở xã Xuân Mỹ (Nghi Xuân); mô hình Hợp tác xã chăn nuôi hươu của Hội Cựu chiến binh xã Sơn Lâm (Hương Sơn); mô hình sản xuất rau quả tổng hợp ở Tượng Sơn (Thạch Hà); mô hình giải phóng mặt bằng xây dựng nông thôn mới của xã Thái Yên, Đức Lạng, Tùng Ảnh  (Đức  Thọ);   hình vận  động  nhân  dân  đónggóp xây dựng giao thông nông thôn ở xóm Yên Sơn, Yên Lộc (Can Lộc)… Trên lĩnh vực văn hoá - xã hội đã xây dựng được hơn 548 mô hình,  điển  hình. Tiêu  biểu như: mô hình xã hội học tập, khuyến học, khuyến tài xã Sơn Châu (Hương Sơn), xã Xuân Viên (Nghi Xuân); mô hình Câu lạc bộ xây dựng gia đình hạnh phúc sống tốt đời đẹp đạo xóm Tân Phú, Thạch Trung (TP Hà Tĩnh); mô hình hũ gạo tình thương của Trường THPT Nguyễn Đổng  Chi  (Lộc  Hà);  mô hình  xã  hội  hoá  giáo  dục ở Trường mầm non Nam Hồng (Thị xã Hồng Lĩnh)… Trên  lĩnh  vực  quốc  phòng - an ninh phong trào DVK cũng đem lại nhiều hiệu quả thiết thực, đã xây dựng được trên 236 mô hình, điển hình. Tiểu biểu như: mô hình phối kết hợp xây dựng bản, làng văn hoá, an ninh biên giới của BCH Bộ đội Biên phòng tỉnh; câu lạc bộ phòng chống tệ nạn xã hội ở xã Sơn Mỹ (Hương Sơn), mô hình cảm hoá người lầm lỗi tại phường Hà Huy Tập (TP Hà Tĩnh)… Phong trào thi đua DVK còn được thể hiện khá rõ nét trên lĩnh vực xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, gắn với việc học tập và làm tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và thực hiện Chỉ thị 35, Kết luận 05 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, đẩy mạnh thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, xây dựng củng cố các tổ chức trong hệ thống chính trị, đặc biệt là củng cố kiện toàn tổ chức cơ sở đảng, xây dựng chính quyền, xây dựng chi đoàn, chi hội vững mạnh. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được hơn 320 mô hình. Điển hình là mô hình phát triển  đảng  viên  vùng  giáo của thôn Đại Thành và Đảng uỷ xã Đức Yên (Đức Thọ); mô hình “xứ đạo an toàn, đoàn kết, văn hoá” của xóm Trung, xã Thạch Hạ (TP Hà Tĩnh); mô hình xây dựng hệ thống chính trị vùng giáo vững mạnh của Ban Mặt trận xóm Thái Thượng, Lộc Yên (Hương Khê)…

Bên cạnh những kết quả đạt được, phong trào thi đua DVK thời gian qua còn một số  tồn  tại  hạn  chế,  đó  là: Một số cấp uỷ chính quyền chưa nhận thức đầy đủ, chưa quan tâm đúng mức, đầu tư thoả đáng đến công tác dân vận nói chung và phong trào thi đua DVK nói riêng, còn xem đây là công việc của Ban Dân vận, MTTQ và các đoàn thể. Sự phối hợp giữa các cơ quan đơn vị tổ chức trong việc thực hiện phong trào thi đua DVK chưa chặt chẽ thiếu đồng bộ, còn lúng túng trong nội dung, phương pháp và cách thức thực hiện. Chưa lồng ghép có hiệu quả phong trào thi đua DVK với các phong trào thi đua khác một  cách  thường  xuyên. Một số mô hình, điển hình chưa được nhân ra diện rộng. Phong trào chưa toàn diện, phần lớn các mô hình, điển hình nghiêng về phát triển kinh tế, các lĩnh vực khác chưa được quan tâm đúng mức.

Để làm tốt hơn nữa phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong thời gian tới cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:

Trước hết, cần phải làm cho các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên nhận thức được phong trào thi đua DVK không  phải  là  một  phong trào độc lập, riêng lẻ mà nó chính là cách thức, phương pháp, là hình thức thực hiện các phong trào thi đua hành động  cách  mạng  của  mỗi địa phương, đơn vị. DVK là mang tâm tư nguyện vọng của dân đến với Đảng, đưa ý Đảng vào lòng dân, xây dựng được mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với dân.

Tuyên truyền sâu rộng để cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu được một mô hình, điển  hình  DVK  phải  đảm bảo các yêu cầu: Nắm được tâm tư, nguyện vọng, những vấn đề bức xúc trong nhân dân  để  kịp  thời  phản  ánh cho cấp uỷ, chính quyền các cấp; Nắm vững đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chủ trương nhiệm vụ của địa phương để tuyên truyền, giải thích cho quần chúng nhân dân; Tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền các giải  pháp  hữu  hiệu  nhằm giải quyết có hiệu quả những nguyện   vọng   chính   đáng của nhân dân, những việc khó khăn cấp bách, nhiệm vụ chính trị trọng tâm của địa phương, đơn vị; Khéo tuyên truyền vận động, phối hợp  huy  động  được  nhiều lực lượng cùng tham gia vận động nhân dân hưởng ứng các phong trào thi đua, các cuộc vận động nhằm thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị; Điển hình DVK phải được xã hội, cộng đồng, tổ chức thừa nhận, suy tôn có sức lan tỏa và bền vững.

Tiếp tục quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm của Đảng về công tác dân vận, Chỉ thị 32 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về đẩy mạnh phong trào thi đua dân vận khéo, nhằm nâng cao nhận thức cho cấp uỷ Đảng, chính quyền và các tầng lớp nhân  dân  về  công  tác  dân vận của Đảng nói chung và phong trào thi đua dân vận khéo nói riêng, làm cho cán bộ  đảng  viên,  công  chức luôn ý thức rằng “việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết  sức  tránh”.  Xây  dựng đội ngũ cán bộ, công chức thật sự trọng dân, gần dân, hiểu dân, có trách nhiệm với nhân dân.

Đẩy mạnh phong trào thi đua DVK trong các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Gắn phong trào thi đua DVK với các phong trào thi đua, các cuộc vận động. Đặc biệt là DVK trong xây dựng nông thôn mới, gắn phong trào thi đua DVK với việc thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; Chỉ thị 35, Kết luận 05 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Quyết định 33 của UBND tỉnh về xiết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính trong cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ chiến sỹ lực lượng vũ trang; Chỉ thị 20 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; thực hiện Nghị quyết TW 4 (khoá XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.

Đưa nội dung thực hiện phong trào thi đua DVK thành nhiệm vụ thường xuyên ở các địa phương, đơn vị, thành một trong các tiêu chí đánh giá, xếp loại hàng năm của cấp uỷ đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể.

Kịp thời sơ, tổng kết, phát hiện nhân tố, mô hình điển hình tiêu biểu để nhân ra diện rộng. Biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc. Chấn chỉnh những tổ chức cá nhân còn nhận thức chưa đầy đủ và thực hiện chưa có hiệu quả phong trào thi đua DVK. Có sự quan tâm lãnh đạo và đầu tư đúng mức để phong trào phát triển toàn diện cả bề rộng và chiều sâu.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp trên, phong trào thi đua DVK ở Hà Tĩnh sẽ có chuyển biến tích cực, tạo động lực mạnh mẽ nhằm nâng cao hiệu quả phong trào thi đua hành động cách mạng góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh.

Trần Đình Gia
 TUV, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Tỉnh uỷ

    Ý kiến bạn đọc